Bị đốc thúc nộp tiền thi hành án, "trùm cờ bạc" Phan Sào Nam "ra điều kiện"
Bị đốc thúc nộp tiền thi hành án, "trùm cờ bạc" Phan Sào Nam "ra điều kiện"
Dân trí
Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần gửi giấy triệu tập ông Phan Sào Nam tới trụ sở cơ quan này để đốc thúc thi hành nốt bản án dân sự.
Sau khi ông Phan Sào Nam - cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - được ra tù trước thời hạn vào tháng 2 vừa qua khi được giảm hơn 22 tháng tù, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần có văn bản triệu tập ông Nam tới trụ sở cơ quan này ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ) để đốc thúc nộp tiền thi hành án.
Ông Phan Sào Nam đều có mặt trong các buổi làm việc theo yêu cầu của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ. Các buổi làm việc đều được lập biên bản, nêu rõ yêu cầu ông Nam phải tiếp tục thi hành án, nộp nốt số tiền còn lại theo bản án của tòa.
Phan Sào Nam tại một phiên tòa.
Đáng chú ý, theo nguồn tin của PV Dân trí, làm việc với cơ quan thi hành án, ông Phan Sào Nam đã đưa ra một số ý kiến đề nghị, "điều kiện" để tiếp tục nộp tiền khắc phục hậu quả.
Do đây là một vụ án rất lớn, nên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã có trao đổi, xin hướng dẫn về nghiệp vụ từ Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp). Quan điểm của cơ quan thi hành án là tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, không chấp nhận những "điều kiện" vô lý, không đúng quy định của ông Phan Sào Nam.
Theo thông tin mới đây từ VKSND Cấp cao tại Hà Nội, tính đến ngày 16/10/2019, các khoản ông Phan Sào Nam đã thi hành là hơn 1.314 tỷ đồng; các khoản còn phải thi hành, để tịch thu công quỹ Nhà nước là hơn 160 tỷ đồng.
Trong thời gian ông Nam chấp hành án tại Trại giam tỉnh Quảng Ninh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã bán tài sản là 5 xe ô tô bị kê biên, thu được hơn 5 tỷ đồng, còn lại hơn 155,1 tỷ đồng chưa thi hành.
Trong khi đó, tháng 8/2018, tài khoản của vợ chồng ông Phan Sào Nam tại Ngân hàng DBS Singapore có số dư hơn 5 triệu USD. Làm việc với Cơ quan An ninh điều tra về việc phong tỏa tài khoản của ông Phan Sào Nam và vợ tại ngân hàng DBS Singapore, ông Nam đều không hợp tác để phong tỏa tài khoản này (không chỉ định người đại diện tham gia phiên điều trần; phản đối việc tiếp tục phong tỏa tài khoản).
Theo VKSND Cấp cao tại Hà Nội, tài liệu làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ cũng thể hiện, ông Phan Sào Nam không đồng ý, không tự nguyện khấu trừ số tiền 5,3 triệu USD tại ngân hàng DBS Singapore để thi hành phần nghĩa vụ hơn 155,1 tỷ đồng còn lại theo quyết định của bản án.
Ngoài các tài sản cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu ông Nam truy nộp, hiện nay ông Nam còn 253.499,60 SGD (đô la Singapore) tại Ngân hàng DBS Singapore nhưng ông Nam không khai báo, không tự nguyện, không chủ động khấu trừ số tiền này.
Kết quả xác minh tại UBND phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM cho thấy, gia đình ông Phan Sào Nam không thuộc trường hợp có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn.
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại Hà Nội khẳng định, có đủ căn cứ xác định phạm nhân Phan Sào Nam không đủ điều kiện để được hưởng tình tiết "Lập công" và xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại "Khá" vào các quý I, II, III, IV năm 2020. Việc Trại giam Quảng Ninh đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đợt 30/4/2020 đối với phạm nhân Phan Sào Nam là vi phạm về điều kiện, dẫn đến Quyết 587 không có căn cứ.
Ngày 28/04/2021, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.
Chủ tịch nước đề nghị kiểm tra, báo cáo lại nội dung thông tin báo chí đã nêu về việc giảm án cho phạm nhân Phan Sào Nam.
Thế Kha