Trang Chủ / Tin tức / Cần xem lại việc làm luật, chất lượng đại biểu

Cần xem lại việc làm luật, chất lượng đại biểu

Tin tức

Nhiều Đại biểu Quốc hội góp ý cần đặc biệt đánh giá, xem xét lại việc làm luật cũng như hoạt động tiếp xúc và chất lượng đại biểu.

TTO - Nhiều Đại biểu Quốc hội góp ý cần đặc biệt đánh giá, xem xét lại việc làm luật cũng như hoạt động tiếp xúc và chất lượng đại biểu.

Cần xem lại việc làm luật, chất lượng đại biểu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị cần đánh giá lại công tác làm luật - Ảnh: Q.P.

Ngày 25-3, thảo luận ở tổ về các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban Quốc hội và của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Cần mời chuyên giasoạn thảo luật

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị cần đánh giá lại công tác làm luật. Theo ông Ngân, chất lượng xây dựng luật pháp cần được nâng cao hơn, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp thực tiễn, dễ hiểu, tránh chồng chéo.

Như thế mới tạo yên tâm cho người dân, doanh nghiệp đầu tư làm ăn. Đồng thời, ông Ngân cho rằng chất lượng báo cáo giám sát của Quốc hội cũng cần được nâng cao.

Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng nếu giao cho Chính phủ soạn thảo luật sẽ khó bảo đảm tính khách quan.

Chất lượng làm luật cũng chưa bảo đảm, có những dự thảo luật từ dự thảo lần thứ nhất đến lần cuối không có thay đổi bao nhiêu. Nếu không thay đổi thì các nhiệm kỳ tới cũng chỉ dừng như vậy. Bên cạnh đó, những dự án luật "khó" thì chúng ta bỏ qua, điều đó là "mắc nợ" dân.

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nhận định nhiều luật cần thiết cho cuộc sống chưa được xây dựng và luật phải đi trước để định hướng sự phát triển, tạo hành lang chính sách.

Ông Thành cũng chỉ ra những tồn tại của hoạt động lập pháp khi một số luật đọc lại không hay bằng nghị quyết, nghị quyết cụ thể hơn. Đồng thời, cần tránh tình trạng luật vừa ban hành phải sửa hoặc ban hành song không áp dụng được.

Đồng tình với ý kiến nâng cao chất lượng làm luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng cần có các chuyên gia soạn thảo, sau đó ngồi lại với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ để thống nhất nội dung. Nhóm chuyên gia làm luật đó cần có thời gian để họ nghiên cứu, soạn thảo luật cho chất lượng.

Đổi mới việctiếp xúc cử tri

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng kiến nghị cần đề xuất hoàn thiện cơ chế sử dụng chuyên gia, mời các chuyên gia là đại biểu Quốc hội còn sức khỏe, tri thức và mong muốn cống hiến của khóa cũ không tái cử tiếp tục đóng góp cho các hoạt động của Quốc hội.

Ở góc độ khác, đại biểu Thào Xuân Sùng (Hà Giang) cho rằng cần đánh giá sâu, quan tâm hơn vấn đề tăng cường, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Qua quan sát có thể thấy công tác giám sát thông qua hoạt động của từng đại biểu sau mỗi kỳ họp chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình mọi mặt của đất nước. Do vậy, một bộ phận đại biểu có những suy nghĩ rất chủ quan vẫn phát biểu tại Quốc hội.

Theo ông Sùng, trên cương vị công tác, đại biểu cần nắm chắc tình hình của đất nước và địa phương mà mình ứng cử, như vậy mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Do vậy, theo đại biểu Hà Giang, Quốc hội khóa sau cần nâng cao hoạt động, mà linh hồn của Quốc hội là các đại biểu.

Ông Sùng đề xuất cần đánh giá tác phong của đại biểu, nhất là đại biểu có chức vụ cao. Ông lấy ví dụ, sau lũ lụt miền Trung ông đi 3 chuyến nhưng thấy lãnh đạo cao cấp nhất có mặt ở đây rất ít và chia sẻ:"Lãnh đạo cấp cao, đại biểu, các thành viên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan tư pháp phải đi như thế. Vì sao có vụ án lúng túng, kéo dài, là do không hiểu thôi. Mỗi vùng có văn hóa khác nhau, nếu người xét xử hiểu văn hóa vùng, tộc người, văn hóa giới tính thì giải quyết rất nhanh".

Đến ngày 14-3, có 76 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Ngày 25-3, báo cáo tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc - ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia - cho biết tính đến 17h ngày 14-3, sơ bộ đã nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong số đó có 1.060 hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 76 hồ sơ tự ứng cử.

Hầu hết hồ sơ của những người ứng cử đảm bảo kê khai đúng quy định. Một số hồ sơ kê khai còn thiếu thông tin hoặc chưa đầy đủ đã được hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện theo đúng quy định.

Mặt khác, ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã nhận được 7.495 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong đó có 7.448 hồ sơ của người ứng cử được các cơ quan nhà nước, tổ chức giới thiệu và 47 hồ sơ tự ứng cử.

Cũng theo ông Phúc, dự toán của các địa phương xây dựng tương đối lớn, nhu cầu kinh phí bầu cử của các địa phương năm 2021 tăng 2,6 lần so với tổng kinh phí ngân sách trung ương đã phân bổ phục vụ công tác bầu cử năm 2016 (khoảng 1.444 tỉ đồng).

Để kịp thời đảm bảo kinh phí cho các địa phương, các bộ, cơ quan triển khai nhiệm vụ phục vụ công tác bầu cử năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia trình Thủ tướng tạm cấp kinh phí phục vụ công tác bầu cử (đợt 1) khoảng 733 tỉ đồng.

Trong đó, khoảng 17 tỉ đồng là kinh phí bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương; khoảng 715 tỉ đồng là kinh phí bổ sung có mục tiêu cho các địa phương.

Giảm đại biểu 'nhiều vai' trong Quốc hội

TTO - Không ai có thể gánh tốt cùng lúc cả hai vai. Thành ngữ có câu "xay lúa thì khỏi ẵm em" để nói rằng nên chuyên tâm làm một việc thì sẽ tốt hơn.

TIẾN LONG - NGỌC HIỂN

Nguồn: Nguồn tuoitre.vn

Cần xem lại việc làm luật, chất lượng đại biểu - Tin tức