Biến thể Delta lây lan nhanh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy ở châu Á và làm gián đoạn việc vận chuyển, gây ra nhiều cú sốc cho nền kinh tế thế giới.
Biến thể Delta lây lan nhanh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy ở châu Á và làm gián đoạn việc vận chuyển, gây ra nhiều cú sốc cho nền kinh tế thế giới.
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu những tưởng chỉ là tạm thời thì giờ đây có thể sẽ kéo dài sang năm sau khi biến thể Delta lây lan nhanh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy ở châu Á và làm gián đoạn việc vận chuyển, gây ra nhiều cú sốc cho nền kinh tế thế giới.
Giá cước vận bị đẩy lên mức cao kỷ lục khiến một số nhà xuất khẩu phải tăng giá hoặc hủy toàn bộ lô hàng (Ảnh: AFP).
Các nhà sản xuất đang quay cuồng vì thiếu hụt những thành phần chủ chốt, trong khi giá cả nguyên liệu lẫn chi phí năng lượng tăng cao. Không những vậy, họ còn phải giành nhau đặt chỗ vận chuyển trên các tàu hàng khiến giá cước vận tải tăng cao kỷ lục. Điều này khiến một số nhà xuất khẩu phải tăng giá hoặc đơn giản hơn là hủy toàn bộ lô hàng.
Ông Christopher Tse - Giám đốc điều hành của Musical Electronics có trụ sở tại Hồng Kông, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ loa Bluetooth cho đến Rubik - cho biết: "Chúng tôi không thể có đủ linh kiện sản xuất, không thể mua container, chi phí sản xuất đã đội lên rất nhiều".
Theo ông Tse, giá nam châm được sử dụng trong đồ chơi xếp hình đã tăng khoảng 50% kể từ tháng 3, làm chi phí sản xuất tăng khoảng 7%. "Tôi không biết liệu chúng tôi có lợi nhuận từ khối Rubik hay không vì giá liên tục tăng", ông nói.
Sự quyết tâm "nhổ tận gốc" Covid-19, đưa các ca nhiễm về 0 của Trung Quốc đồng nghĩa với việc có thể gây ra tình trạng gián đoạn thương mại lớn. Trong tháng này, chính phủ nước này đã tạm đóng cửa một phần cảng container lớn thứ 3 thế giới ở Ninh Ba trong 2 tuần sau khi một công nhân được phát hiện nhiễm Covid-19 biến thể Delta. Hồi đầu năm, các cầu cảng ở Thâm Quyến cũng đã ngừng hoạt động sau khi phát hiện một số ca nhiễm ở đây.
"Tình trạng tắc nghẽn cảng và thiếu năng lực vận chuyển container có thể kéo dài sang quý IV hoặc thậm chí sang đến giữa năm 2022", ông Hsieh Huey-chuan - Chủ tịch Evergreen Marine có trụ sở tại Đài Loan, hãng vận tải container lớn thứ 7 thế giới - cho biết và nhấn mạnh: "Nếu đại dịch không thể được ngăn chặn một cách hiệu quả, tắc nghẽn cảng có thể trở thành một điều bình thường mới".
Chi phí tăng đẩy giá hàng hóa cao hơn
Theo chỉ số container thế giới của Drewry, chi phí gửi một container từ châu Á sang châu Âu hiện gấp khoảng 10 lần so với tháng 5/2020, trong khi đó, chi phí gửi một container từ Thượng Hải đến Los Angeles đã tăng gấp 6 lần.
Trong một lưu ý, HSBC Holding cũng cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên mong manh tới mức chỉ một tai nạn nhỏ cũng có thể dễ dàng gây nên những hiệu ứng phức tạp.
Ông Chua Hak Bin - nhà kinh tế cấp cao tại Maybank Kim Eng Research ở Singapore - cho biết giá cước vận tải và giá bán dẫn cao hơn có thể dẫn đến lạm phát.
Ngoài ra, các nhà sản xuất, bao gồm nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới Giant Manufacturing của Đài Loan, cũng cho biết sẽ tăng giá sản phẩm do chi phí tăng cao.
Ông Eric Chan - Điều hành một nhà sản xuất máy pha cà phê có trụ sở tại Hồng Kông cho biết tình trạng khủng hoảng chuỗi cung ứng không hề giảm đi trong những tháng qua khi ông lắp đặt một dây chuyền cung cấp cần đến hàng trăm linh kiện để đáp ứng nhu cầu thiết bị nhà bếp đang tăng mạnh.
"Chúng tôi đang tích trữ các thành phần sản xuất quan trọng cho một năm sử dụng vì nếu thiếu một thành phần, chúng tôi không thể sản xuất sản phẩm", ông Chan - CEO của Town Ray Holdings, công ty có 90% doanh thu từ các thương hiệu gia dụng ở châu Âu - cho biết.
Doanh nghiệp quay cuồng vì biến thể Delta
Sự lan rộng của biến thể Delta, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đang gây khó khăn cho nhiều nhà máy hoạt động.
Ngay cả Toyota Motor hùng mạnh cũng bị ảnh hưởng. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vừa cảnh báo tháng này họ sẽ phải tạm ngưng sản xuất tại 14 nhà máy trên khắp Nhật Bản và cắt giảm khoảng 40% sản lượng do thiếu chip.
Các công ty ở Vương quốc Anh cũng đang phải vật lộn với mức tồn kho thấp kỷ lục và giá bán lẻ tăng với tốc độ chóng mặt kể từ tháng 11/2017.
Sự phục hồi của nền kinh tế Đức cũng đang bị đe dọa. Một thước đo chính về niềm tin kinh doanh của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm hơn mức dự báo, một phần do thiếu kim loại, sản phẩm nhựa, chất bán dẫn và các loại hàng hóa khác.
Tranh nhau để được vận chuyển
Những nhà bán lẻ lớn có xu hướng ký hợp đồng dài hạn với các hãng vận chuyển container, nhưng hoạt động sản xuất ở châu Á lại phụ thuộc vào mạng lưới hàng chục nghìn nhà máy sản xuất nhỏ và vừa. Mà các nhà máy này đang xếp hàng để chờ được vận chuyển hàng hóa. Đến lượt họ thì họ còn phải tranh nhau chỗ xếp hàng lên tàu bởi các chủ tàu có xu hướng dành cho những người trả giá cao nhất.
Theo ông Michael Wang - một nhà phân tích tại President Capital Management - khoảng 60% đến 70% các giao dịch vận chuyển trên tuyến châu Á - châu Mỹ được thực hiện thông qua các giao dịch giao ngay hoặc ngắn hạn. Ông cho biết, kiểu đấu giá này có thể tiếp tục cho đến Tết Nguyên Đán vào tháng 2 năm sau.
Tại Đức, hơn một nửa trong số 3.000 doanh nghiệp được thăm dò bởi Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cho rằng, các vấn đề của chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới.
Nhật Linh