Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ và dự Hội nghị cấp cao ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ từ ngày 9 - 16/12.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Luxembourg, Hà Lan và Bỉ từ năm 1973.
Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến công du đến châu Âu từ ngày 9 - 15/12. Ảnh: Nhật Bắc
Nhận lời mời của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg trong hai ngày 9 - 10/12.
Luxembourg hiện là một trong các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Liên minh châu Âu (EU) và có thu nhập GDP bình quân đầu người đứng đầu thế giới. Nước này cũng là thành viên sáng lập của nhiều tổ chức quốc tế, gồm cả EU và Liên Hợp Quốc.Các lĩnh vực thế mạnh của Luxembourg là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hóa chất, cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Luxembourg phát triển tốt đẹp, nhất là về đầu tư và hỗ trợ phát triển. Luxembourg là một trong những nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Tính đến tháng 1/2022, Luxembourg có 51 dự án đầu tư với tổng số vốn 2,1 tỷ USD, đứng vị trí thứ 5 trong số các nước châu Âu, đứng thứ 18/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Cho tới nay, viện trợ phát triển của Luxembourg ưu tiên dành cho 9 nước, trong đó có Việt Nam. Hai bên đang trao đổi, thúc đẩy khả năng hợp tác về nông nghiệp sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chặng dừng chân tiếp theo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du châu Âu lần này là Hà Lan. Việt Nam - Hà Lan đã xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, năng động trên nhiều lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu.
Hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước vào tháng 10/2010, quan hệ đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực vào tháng 6/2014. Quan hệ song phương được nâng cấp lên đối tác toàn diện vào tháng 4/2019.
Hà Lan là một trong những nước có hệ thống logistics phát triển hàng đầu thế giới, đóng vai trò vừa là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khối EU, vừa là cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hóa của Việt Nam vào thị trường châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng đều hàng năm kể cả trong đại dịch Covid-19.
Những năm gần đây, Hà Lan luôn là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam và tính đến tháng 1/2022, Hà Lan xếp thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 380 dự án, trị giá hơn 13,5 tỷ USD.
Hai nước đã nhất trí duy trì cơ chế trao đổi thường xuyên cũng như các phương hướng hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, giáo dục, du lịch; tăng cường hợp tác công - tư giữa hai nước về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.
Những ngày cuối của chuyến công tác, Thủ tướng dự kiến thăm chính thức, làm việc tại Bỉ và dự Hội nghị cấp cao ASEAN – EU. Chuyến công du diễn ra khiViệt Nam và Bỉ đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 5 năm Đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp (2018-2023). Quan hệ song phương đã có những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chính trị - ngoại giao, thương mại và nông nghiệp.
Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 trong EU của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2022, thương mại hai chiều đạt hơn 4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 622,8 triệu USD. Tính đến tháng 10/2022, có 82 dự án đầu tư FDI của Bỉ vào Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 1,1 tỷ USD.
Hai nước dự kiến thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp bền vững, kinh tế số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng... Việt Nam và Bỉ cũng nhắm mục tiêu trở thành các trung tâm kết nối, tiếp cận thị trường ASEAN và EU rộng lớn và năng động.
Thủ tướng đề nghị Luxembourg hỗ trợ xây trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCMThủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Luxembourg hỗ trợ Việt Nam xây trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và ủng hộ Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.