Trang Chủ / Đời Sống / Có thật là bé mè nheo khi năn nỉ 'Mẹ ơi, mẹ đừng đi'?

Có thật là bé mè nheo khi năn nỉ 'Mẹ ơi, mẹ đừng đi'?

Đời Sống

Bản năng sinh tồn cơ bản của con bạn là bé luôn muốn ở gần mẹ. Khi bạn phải rời xa bé, dù bé ở cùng ai thì sự gắn kết giữa hai mẹ con có thể dẫn đến cảm xúc lo sợ xa cách của trẻ lớn hơn.

 

Có thật là bé mè nheo khi năn nỉ 'Mẹ ơi, mẹ đừng đi'?

Một tình huống chúng ta rất hay gặp đó là: Bà ngoại đã đến trông con cho bạn ra ngoài có chút việc riêng, nhưng con vẫn bám chặt, không chịu cho bạn đi đâu, thậm chí còn năn nỉ: "Mẹ ơi, mẹ đừng đi" khiến mọi chuyện trở nên khó khăn.

Trong cuốn sách What's my child thinking? (Con đang nghĩ gì - Tâm lý học trẻ em thực hành cho cha mẹ hiện đại) của tác giả Tanith Carey đã giải thích khá rõ ràng về vấn đề này. Cụ thể:

Con nghĩ gì khi nói "Mẹ ơi, mẹ đừng đi"

- Khi bé nói: Mẹ ơi, mẹ đừng đi có nghĩa là con đang nghĩ "Khi mẹ rời đi, mình cảm thấy đất trời chao đảo. Mình muốn lúc nào mẹ cũng ở đây".

Con bạn phản ứng thế nào phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của bé với thay đổi và vào việc trước đây khi bạn để bé lại cho người khác trông, bé cảm thấy vui hay buồn. Từ trước đến nay, bé chủ yếu quen ở nhà với mẹ hoặc bố. Vì vậy, càng thiếu vắng bạn, bé càng muốn có bạn ở bên để an tâm hơn.

- Mẹ nghĩ: Mình chỉ rời đi có một chút thôi mà. Bạn có thể cảm thấy tội lỗi vì nghĩ rằng đáng nhẽ nên ở nhà với con. Vì cảm xúc của trẻ chịu ảnh hưởng từ mẹ rất nhiều, nên nếu bạn bực bội mà không hỏi thăm trẻ, thông điệp mà bé nhận được sẽ là khi bạn đi vắng, sẽ có điều đáng lo xảy ra và trẻ sẽ tiếp tục phản đối chuyện phải rời xa mẹ.

Mẹ nên làm gì trong tình huống này?Ngay lúc đó:

1. Thể hiện niềm tin vào người chăm sóc cho con: Con sẽ nhìn vào thái độ của bạn để ứng xử, vì vậy hãy tự tin, mỉm cười và dụ bé trò chuyện cùng bà về những trò chơi cả hai cùng thích và những điều thú vị cả hai sẽ thực hiện cùng nhau.

2. Đánh lạc hướng bé: Hành động nhanh chóng để giúp bé chuyển mối bận tâm của mình từ cảm xúc khó chịu sang những thứ khác. Khơi gợi trí tò mò của bé, yêu cầu bé tìm kiếm những món đồ chơi có thể chơi cùng bà, hoặc những cuốn sách mà con muốn đọc cùng bà chẳng hạn.

3. Tránh những cuộc chia tay bịn rịn kéo dài: Hãy nhanh chóng cười và ôm con. Hãy nói với bé rằng bạn sẽ quay lại sau khi bé chơi đùa vui vẻ xong. Một lời tạm biệt đầy tự tin sẽ trấn an bé và bảo đảm với bé rằng bé sẽ ổn nếu không có bạn.

Về lâu dài:

1. Tập cho bé xa mẹ trong khoảng thời gian ngắn: Sắp xếp thời gian xa bé mỗi lần lâu hơn một chút để con bạn học cách tự xoa dịu bản thân, điều chỉnh cảm xúc và quen với việc không có bạn ở bên cạnh. Cả bạn và bé sẽ học được rằng cả hai đều có thể tồn tại mà không cần phải luôn luôn ở cạnh nhau. Luyện tập càng nhiều, cả hai mẹ con sẽ càng giảm bớt lo âu.

2. Thông báo trước cho trẻ: Nói lời chia tay sẽ dễ dàng hơn nếu mỗi lần bạn đều lên kế hoạch trước và bé có thể lường trước được việc này. Ôm bé và thơm vào hai bên má bé, thông báo cho bé biết bạn và con sẽ làm gì cùng nhau khi bạn về nhà, chẳng hạn như đi chơi công viên, để bé có niềm vui cụ thể để mong chờ.

Không có gì sánh bằng tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái. Cho dù đến độ tuổi này, con đã biết bạn vẫn tiếp tục tồn tại khi bạn khuất tầm mắt nhưng bé sẽ phản đối vì bạn là người khiến con cảm thấy an toàn và được yêu thương nhất. Vì vậy, đừng than vãn hay tỏ ra khó chịu, hãy từ từ an ủi và cho con hiểu bạn vẫn yêu con và sẽ trở về nhé.

Nguồn: Nguồn baomoi.com

Có thật là bé mè nheo khi năn nỉ 'Mẹ ơi, mẹ đừng đi'? - Đời Sống