( PHUNUTODAY ) - Người thời xưa thường dùng quả cau để ăn trầu nhưng ít ai biết rằng hoa cau có thể chế biến thành những món ăn ngon.
Hoa cau từ lâu đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam, nhất là Bắc Bộ. Cây cau có những chùm hoa trắng vươn lên trên những ngôi nhà mái ngói, mái lá đã trở thành hình ảnh in sâu trong tâm trí nhiều người.
Cũng chính vì vậy mà hoa cau đi vào trong thơ ca như một lẽ tự nhiên, mang một nét đẹp đặc trưng và nhẹ nhàng. Cũng vì nó luôn ở nơi thôn quê nên nhiều người chưa rõ về đặc điểm và công dụng của hoa.
Hoa cau mọc dạng chùm, màu trắng, hoa đực rụng sớm, hoa cái tạo quả. Vào mùa cau ra hoa, ngọn cây từng chùm hoa trắng tinh khôi, có hương thoang thoảng xen trong gió quê. Hoa cau đực nhìn như những hạt gạo, lúc chín thì tự rụng xuống.
Ở Việt Nam hiện nay, hoa cau có khắp các tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam, có mặt hầu hết ở làng quê Việt. Câu cau trồng ở những nơi đất ẩm và tốt. Nhưng ít ai biết rằng hoa cau có thể chế biến thành những món ăn ngon, ăn một lần nhớ cả đời không quên.
Khi hoa cau còn non, ở trong bẹ,… người dân sẽ trèo lên cây hái rồi đem về sơ chế, nấu thành các món ăn dân dã, đậm chất miền quê. Chị Minh Châu – một người dân sống tại Hưng Yên cho biết: “Phần bẹ của hoa cau khá giống với củ hũ dừa, có thể ăn sống rất mát nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh xương. Còn hoa chính – vẫn còn non có thể dùng làm giỏi thịt bò hoặc xào với ếch đã chiên giòn. Nó có vị chua chua, ngọt ngọt và càng ăn càng mê”.
Chị Minh Châu cho biết thêm, hoa cau còn được người dân quê chị dùng để cắm vào bình, trang trí cho nhà cửa. “Sở dĩ hoa cau được bán để trưng bày vì thời gian gần đây tiểu thương ít thu mua quả cau. Vì vậy người dân quê tôi không chỉ hái xuống nấu thành món ngon mà còn trưng trong phòng khách, phòng ngủ. Thậm chí người thành phố cũng về lùng mua khiến chúng trở thành đặc sản”.
Trong Đông y, hoa cau có tác dụng bổ tỳ, trị đầy bụng, khó tiêu, hoa mắt, đau ngực và tê đau khớp,…