Hãng công nghệ Đài Loan Pegatron, một trong những đối tác lắp ráp lớn nhất hiện nay cho Apple, Microsoft… sẽ đầu tư một tỷ USD để xây dựng các nhà máy và dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.
Hãng công nghệ Đài Loan Pegatron, một trong những đối tác lắp ráp lớn nhất hiện nay cho Apple, Microsoft… sẽ đầu tư một tỷ USD để xây dựng các nhà máy và dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.
Thông tin trên được trang Business Insider dẫn lời các nguồn tin thân cận với Pegatron tiết lộ. Theo đó, hãng công nghệ Đài Loan sẽ đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng khu liên hợp sản xuất tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ, phía bắc thành phố Hải Phòng.
Dự án này dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2027, tạo ra được 22.500 công ăn việc làm cho các công nhân tại Việt Nam và ước tính sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước 100 tỷ đồng mỗi năm (4,41 triệu USD). Sau khi hòa thành, khu liên hợp sản xuất của Pegatron tại Việt Nam sẽ được sử dụng để lắp ráp sản phẩm cho các đối tác của Pegatron như Apple, Sony, Microsoft…
Các mẫu iPhone trong tương lai nhiều khả năng sẽ được lắp ráp trong các nhà máy tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, Pegatron cũng dự kiến sẽ chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam trong giai đoạn cuối của quá trình đầu tư (giai đoạn từ năm 2026 đến 2027).
Trước Pegatron, hai đối tác chuyên lắp ráp các sản phẩm cho Apple là Luxshare và Hon Hai (Foxconn) cũng được cho là có động thái chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam để chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, ngoài các nhà máy đặt tại Trung Quốc, Luxshare cũng có 2 nhà máy đặt tại khu công nghiệp Quang Châu và Vân Trung (tỉnh Bắc Giang, Việt Nam), chịu trách nhiệm sản xuất tai nghe AirPods cho Apple.
Theo các nhà phân tích, hiện Apple và các đối tác của mình đang có kế hoạch di dời nhà máy sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang một quốc gia khác nhằm đối phó với các hàng rào thuế quan có thể được “dựng lên” trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài Apple, nhiều hãng công nghệ khác đã và đang di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang nhiều quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam. Việt Nam hiện được coi là điểm đến lý tưởng để thu hút đầu tư của nước ngoài và chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Hiện nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ cũng đang cân nhắc dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để không còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và tránh nguy cơ bị Mỹ trừng phạt khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng.