Trang Chủ / Tin Thị Trường / GAB vào “rổ” huỷ niêm yết, nhóm FLC còn duy nhất 1 mã được giao dịch

GAB vào “rổ” huỷ niêm yết, nhóm FLC còn duy nhất 1 mã được giao dịch

Tin Thị Trường

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa gửi văn bản đến Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (HoSE: GAB) thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GAB.

HoSE cho biết, cổ phiếu GAB hiện đang thuộc diện chứng khoán bị đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính soán xét bán niên năm 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định.

Đồng thời cổ phiếu GAB đang thuộc diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đến nay, công ty vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân đưa chứng khoán vào diện đình chỉ giao dịch và diện kiểm soát.

Theo đó căn cứ vào quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE cho biết sẽ thực hiện huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GAB theo các quy định hiện hành

Như vậy, tiếp nối FLC, ROS, HAI, AMD thì GAB là cổ phiếu tiếp theo trong nhóm FLC bị hủy niêm yết bắt buộc. Trên thị trường hiện nay, ngoài 5 mã đã bị huỷ niêm yết bắt buộc thì nhóm FLC chỉ còn duy nhất mã KLF của còn giao dịch trên sàn trong diện hạn chế giao dịch và mã ART bị đình chỉ giao dịch.

GAB vào “rổ” huỷ niêm yết, nhóm FLC còn duy nhất 1 mã được giao dịch

Diễn biến thị giá cổ phiếu GAB.

GAB là một cổ phiếu thuộc nhóm FLC liên quan tới cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. GAB cũng là doanh nghiệp mới nhất trong hệ sinh thái Tập đoàn FLC niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2019.

FLC từng có kế hoạch để GAB sáp nhập CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) và FLC Faros. Theo đó, GAB dự định phát hành cổ phiếu hoán đổi với ROS theo tỉ lệ 1:15, tức 1 cổ phần GAB đổi lấy 15 cổ phần của ROS để thực hiện sáp nhập. Lần đầu tiên, một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ hơn trăm tỷ đồng nhận sáp nhập doanh nghiệp có vốn gần 5.700 tỷ đồng.

Đây là một trong số nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đóng băng cổ phiếu trên sàn, thanh khoản tụt giảm và gần như không phát sinh giao dịch sau khi ông Quyết bị khởi tố vì tội danh thao túng trên thị trường chứng khoán.

Không như các doanh nghiệp "họ" FLC đều rớt giá thê thảm chỉ còn vài nghìn đồng/cổ phiếu, GAB nằm trong tình cảnh trớ trêu với giá cổ phiếu treo ở mức rất cao gần 200.000 đồng/cổ phiếu nhưng không có nổi một giao dịch phát sinh.

GAB có vốn hóa hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ hơn 51%. Như vậy, còn lại khoảng 1.400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu GAB mà các cổ đông khác đang nắm giữ, rất nhiều trong số đó là các cổ đông nhỏ lẻ giờ không thể giao dịch và hiện đối mặt với việc bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Trong năm 2020, GAB lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi tăng giá sốc trên 1.100%. Mức giá đầu năm 2020 là 16.250 đồng/cổ phiếu nhưng tới cuối năm chạm đỉnh ở mức 196.800 đồng/cổ phiếu.

Nguồn: Nguồn www.nguoiduatin.vn

GAB vào “rổ” huỷ niêm yết, nhóm FLC còn duy nhất 1 mã được giao dịch - Tin Thị Trường