Trang Chủ / Tin Thị Trường / Mức giảm 1.000 đồng của thuế bảo vệ môi trường bị chê ít

Mức giảm 1.000 đồng của thuế bảo vệ môi trường bị chê ít

Tin Thị Trường

Trong bối cảnh giá dầu leo thang, người dân khó khăn, mức giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng "ít ý nghĩa", theo các chuyên gia, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh giá dầu leo thang, người dân khó khăn, mức giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng "ít ý nghĩa", theo các chuyên gia, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, với mức giảm 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng.

Mặt hàng Thuế hiện hành (VND) Mức giảm (VND)
Xăng (trừ ethanol) 4.000 1.000
Dầu diesel, mazut, nhờn 2.000 500
Dầu hoả 1.000 500
Mỡ nhờn 2.000 500

Với các mức dự kiến giảm này, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính cho biết, giá xăng giảm tương ứng 1.000 đồng mỗi lít, dầu là 500 đồng một lít.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, người dân, mức mà Bộ Tài chính đưa ra thấp và họ mong muốn mức giảm nhiều hơn.

Mức giảm 1.000 đồng của thuế bảo vệ môi trường bị chê ít

Cây xăng góc đường Lý Chính Thắng - Trương Định (quận 3, TP HCM), tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty Vận tải quốc tế, cho hay áp lực giá dầu tăng liên tục từ cuối năm ngoái và chưa có điểm dừng đang "đè" nặng lên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. So với giữa tháng 12 năm ngoái, mỗi lít dầu diesel đã đắt thêm gần 4.000 đồng một lít.

Với ngành vận tải, xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30-35% tổng chi phí mỗi chuyến xe di chuyển. Việc giá dầu tăng chưa có điểm dừng từ cuối năm ngoái, ông Hùng tính toán, mỗi chuyến hàng chạy tuyến Bắc - Nam, công ty phải "gánh" thêm 2 triệu đồng tiền nhiên liệu (dầu).

"Giảm thuế bảo vệ môi trường chỉ với 500 đồng, tức mỗi lít dầu giảm 500 đồng thì không giải quyết được gì", ông nhận xét.

Vị này cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp, nhất là nhóm vận tải, đang cần sự hỗ trợ để hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid. "Nếu giảm thuế để hạ giá nhiên liệu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn lúc này để hồi phục, nên giảm ít nhất 1.000 đồng với mỗi lít dầu, 2.000 đồng với xăng", ông nói.

Trong góp ý gửi Bộ Tài chính về mức dự kiến giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận xét, mức giảm 500 đồng với mỗi lít dầu, 1.000 đồng với xăng là "thấp, cần giảm mạnh hơn".

Lý do là giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng thời gian tới, khi xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng, và lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây lên Nga diễn ra căng thẳng, có xu hướng leo thang.

"Giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khoẻ doanh nghiệp, nền kinh tế đang ốm yếu, cần hồi phục. Hơn nữa, giảm thuế trong xăng dầu lúc này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách hai tháng đầu năm 2022 khả quan", VCCI nhấn mạnh.

Vì thế, tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp đề nghị, nên tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường lên gấp đôi mức dự kiến hiện nay, tức 2.000 đồng với xăng. 1.000 đồng với dầu. Thời hạn áp dụng việc giảm này có thể không nhất thiết phải tới hết năm nay (8 tháng), mà có thể chỉ kéo dài 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại.

Ở góc độ vĩ mô, các chuyên gia cho rằng việc giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng, hay 500 đồng mỗi lít dầu, ít ý nghĩa trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới dự báo tiếp tục tăng. Hiện, mỗi lít xăng bán lẻ trong nước đã lên mức cao nhất lịch sử, gần 27.000 đồng, trong khi giá thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 4 đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 2 khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng tăng 45,3% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, với mức giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính là 1.000 đồng một lít xăng, 500 đồng với dầu, theo các tính toán, cũng chỉ giúp CPI giảm 0,15 điểm phần trăm.

"Việc giảm 1.000 đồng trên mỗi lít xăng là tín hiệu tốt nhưng chưa mang lại hiệu quả nhiều trong giảm bớt căng thẳng về giá, giảm bớt áp lực lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng", ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (GSO), chia sẻ.

Ông Lâm phân tích thêm, việc giá dầu thô thế giới chỉ riêng tuần qua tăng vài chục phần trăm, khiến giá xăng dầu thành phẩm tăng tương ứng, sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ở khía cạnh trực tiếp, giá xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí nguyên vật liệu tăng cao, và tác động rõ rệt nhất tới các ngành sản xuất, nhất là vận tải khi chi phí nhiên liệu chiếm 35-40%.

Còn tác động gián tiếp (lan toả), theo ông, sẽ tạo hiệu ứng sâu rộng hơn, khi nó làm tăng giá cả hàng hoá, chỉ số giá tiêu dùng và áp lực lạm phát, ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu của người dân, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế.

Mức giảm thuế bảo vệ môi trường lần này, ông Lâm đề nghị, ít nhất cũng nên giảm 50% mức thu cố định hiện nay để thúc đẩy sản xuất.

Ngoài thuế bảo vệ môi trường, nhà chức trách cũng nên xem xét, nghiên cứu giảm các loại thuế khác trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện nay.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp dịu bớt phần nào áp lực giá cả nhưng nhà chức trách có thể cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế nhập khẩu.

Chẳng hạn, thuế tiêu thụ đặc biệt đang thu là 10%, khi giá dầu ở mức 50 USD một thùng, mức thuế doanh nghiệp phải trả là 5 USD. Và khi giá dầu vọt lên 100 USD một thùng, thuế suất doanh nghiệp phải đóng tăng gấp đôi, 10 USD. "Tức là giá dầu càng tăng thì thuế thu càng đắt, đây là điểm bất hợp lý", ông Bảo nói.

Vị này đề xuất, thay vì thu thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ %, nên đưa về số tuyệt đối, tránh gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đồng tình, ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng có thể giảm thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng hay thuế tiêu thụ đặc biệt... trong ngắn hạn. Việc này để giảm bớt áp lực tăng giá hàng hoá, dịch vụ từ giá xăng dầu. Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,4-4% tổng chi phí sản xuất nền kinh tế và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Chẳng hạn, Thái Lan giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel trong 3 tháng để giảm mức ảnh hưởng giá dầu đang ở "đỉnh" với hàng hoá tiêu dùng, vận tải.

"Tất nhiên chúng ta cũng phải lưu tâm tới chuyện hụt thu ngân sách, nhưng trong tình huống hiện nay cần tính toán kịch bản dài hơi hơn, nên nghiên cứu giảm thuế mạnh hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng, sau đó thu ngân sách sẽ tốt hơn khi doanh nghiệp, kinh tế phục hồi", ông Lâm góp ý.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính cho hay, đây mới là dự thảo đề án đang lấy ý kiến. Bộ mong nhận được nhiều đóng góp để báo cáo các cấp nhằm có phương án sửa đổi phù hợp.

Hoài Thu Trở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Nguồn: Nguồn vnexpress.net

Mức giảm 1.000 đồng của thuế bảo vệ môi trường bị chê ít - Tin Thị Trường