Mỹ được cho là đang tìm cách hợp pháp hóa số vũ khí nghi của Iran gửi cho lực lượng nổi dậy Houthi và bị tịch thu ngoài khơi bờ biển Yemen, để viện trợ cho Ukraine.
Hôm 14/2, tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu giấu tên cho hay, Nhà Trắng đang xem xét "kẽ hở" trong các quy định của Liên Hợp Quốc, để chuyển cho Ukraine những khẩu súng trường, tên lửa và đạn dược bị tịch thu ngoài khơi bờ biển Yemen.
Tuy nhiên, số lượng vũ khí này khá nhỏ so với những gì Mỹ và các đồng minh đã hỗ trợ cho Ukraine trong năm qua. Song theo các quan chức giấu tên, đây được xem là đòn trừng phạt mang tính biểu tượng sau cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Nga, dù Tehran và Moscow đã lên tiếng bác bỏ.
Mỹ tính chuyển cho Ukraine hàng nghìn vũ khí và hơn một triệu viên đạn bị tịch thu do nghi ngờ có liên quan tới Iran. Ảnh minh họa
“Thông điệp là lấy số vũ khí được cung cấp cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran để đạt được các ưu tiên của Mỹ ở Ukraine, nơi Iran đang cung cấp vũ khí cho Nga”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Wall Street Journal.
Cũng theo Wall Street Journal, Mỹ đã tịch thu được 5.000 khẩu súng trường cùng 1,6 triệu viên đạn, nhiều tên lửa chống tăng và khoảng 7.000 ngòi nổ cận đích. Đây là số vũ khí bị tịch thu từ ba thuyền đánh cá bị các thủy thủ Mỹ và Pháp chặn lại kiểm tra trong vài tháng qua ở vịnh Oman.
Nga cảnh báo NATO
Hôm 14/2, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh sự can thiệp của NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn, bất chấp liên minh quân sự đưa ra những tuyên bố ngược lại.
“NATO là tổ chức thù địch với Nga. Sự thù địch ngày càng được khẳng định, và NATO đang cố can thiệp vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine ngày càng rõ ràng hơn nhiều”, RT dẫn lời ông Peskov.
Theo ông Peskov, hoạt động của NATO khiến Moscow phải có "các biện pháp phòng ngừa nhất định".
Phát ngôn viên Điện Kremlin cho rằng, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu vẫn chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine, và “tất cả cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang hoạt động chống lại Nga”.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, NATO đã cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí hạng nặng như bệ phóng tên lửa, vũ khí chống tăng, xe bọc thép và pháo binh. NATO còn huấn luyện cho quân đội Ukraine. Song hôm 13/2, Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg khẳng định, NATO không phải là “một bên tham gia vào cuộc xung đột”.