Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của các tổ chức và chuyên gia nước ngoài về triển vọng phát triển kinh tế.
Trang Business Times (Singapore) mới đây trích dẫn đánh giá tích cực của hãng phân tích và dự báo kinh tế toàn cầu Moody's Analytics cho rằng nền kinh tế của Việt Nam là một "điểm sáng" giữa những biến động trong khu vực.
Theo đó, Moody's Analytics lý giải rằng Việt Nam vẫn tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc, đồng thời là nền kinh tế duy nhất của châu Á - Thái Bình Dương có GDP tiếp tục tăng trưởng mạnh. Moody's Analytics dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 đạt 8,5% - cao nhất trong khu vực.
Theo các nhà kinh tế của hãng phân tích này, sau khi Việt Nam tái mở cửa vào đầu năm nay, nền kinh tế đã nhanh chóng bắt nhịp trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, cùng với đó là sự hỗ trợ của các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cuối tháng trước, báo The Star (Malaysia) dẫn nguồn nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Phòng Thí nghiệm tăng trưởng Harvard (Growth Lab, Đại học Harvard, Mỹ) cho biết: Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới đến năm 2030.
Cụ thể, nghiên cứu trên cho thấy rằng các quốc gia đa dạng hóa sản xuất sang các lĩnh vực phức tạp hơn như Việt Nam và Trung Quốc là những quốc gia sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới.
Dự kiến đến năm 2030, ba cực tăng trưởng mới dẫn đầu thế giới bao gồm châu Á, Đông Phi, Đông Âu. Trong đó, các đại diện tại châu Á được đánh giá là đã đủ điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới gồm Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Ảnh minh họa: PwC
"Giáo dục để phát triển"
TTXVN cho hay, trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ước tính đạt mức 7,5% trong năm 2022 nhờ lĩnh vực sản xuất công nghiệp có sức bật và ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ đóng vai trò là động lực cho nền kinh tế đang vươn mình hậu đại dịch.
Dữ liệu của WB cho biết nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong Quý IV năm 2021, sau đó tiếp tục tăng lần lượt 5,1% và 7,7% trong Quý I và Quý II năm 2022.
Lạm phát được dự báo sẽ ở mức trung bình 3,8% trong năm 2022.
Báo cáo của WB với tiêu đề "Tận dụng sức mạnh: Giáo dục để phát triển" nhấn mạnh việc chuyển đổi hệ thống giáo dục đại học thành chìa khóa để thúc đẩy năng suất của đất nước và đạt được các mục tiêu phát triển trong bối cảnh Việt Nam phục hồi hậu đại dịch trong bối cảnh môi trường toàn cầu đầy thách thức.
Thống kê cho thấy dân số Việt Nam có số năm đi học trung bình là 10,2, chỉ đứng sau Singapore trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean).
Chỉ số vốn con người (Human Capital Index - HCI) của Việt Nam là 0,69/1, cao nhất trong các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên, mức độ phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học của Việt Nam còn thấp.
Một cuộc khảo sát về kỹ năng và doanh nghiệp của WB được công bố vào năm 2019 cũng cho biết 73% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên có kỹ năng lãnh đạo và quản lý, 54% doanh nghiệp gặp vấn đề về tuyển dụng nhân viên có kỹ năng cảm xúc xã hội và 68% doanh nghiệp gặp vấn đề với nhân viên có chuyên môn cụ thể theo từng công việc.
Tập trung vào lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học, báo cáo của WB khuyến nghị cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận, từ đó cung cấp các kỹ năng cần thiết cho người lao động.
WB cũng cho biết những cải cách đối với hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có thể giúp hỗ trợ các mục tiêu phát triển.
Trong khi các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh là điều rất quan trọng để tạo việc làm, thì theo WB, các nhà hoạch định chính sách cũng nên thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu kỹ năng và nâng cao chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam./.