Trong tháng 3/2024 vừa qua, Cục Viễn thông cho biết khoảng 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng 7,9 triệu SIM thuộc diện thuê bao có từ 4 đến 9 SIM.
Có nhiều SIM dù không đăng ký hay sử dụng
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chiều ngày 8/4, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) thông tin về giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng cuộc gọi/tin nhắn từ SIM rác đã kích hoạt sẵn.
Theo ông Nhã, ngoài triển khai những biện pháp đồng bộ để hạn chế SIM rác, cơ quan quản lý còn phát triển công cụ mới giúp tra cứu xem mình đang sở hữu bao nhiêu SIM.
Theo đó, người dân có thể kiểm tra thông tin chuẩn hoá thuê bao bằng việc nhắn tin qua đầu số 1414. Chủ thuê bao sẽ phải cung cấp kèm theo số căn cước công dân. Việc kiểm tra thông tin thuê bao này hoàn toàn bảo mật nên người dân có thể yên tâm sử dụng.
Sau một thời gian triển khai, báo cáo của các nhà mạng cho thấy đã có 6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài 1414, kèm theo số giấy tờ để kiểm tra thông tin thuê bao. Đồng thời, trong tháng 3/2024 vừa qua, Cục Viễn thông cho biết có khoảng 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng 7,9 triệu SIM thuộc diện thuê bao có từ 4 đến 9 SIM.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT).
"Nhiều người khi kiểm tra thông tin thuê bao qua tin nhắn 1414 mới phát hiện mình có nhiều SIM đang hoạt động, nhưng không phải do mình sử dụng", ông Nhã nói.
Nhờ việc kiểm tra thông tin thuê bao, đã có khoảng 1.200 khách hàng phản ánh tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để được giải đáp vì sao mình có nhiều SIM dù không đăng ký hay sử dụng. Các nhà mạng cũng đã hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục để khóa những SIM mà khách hàng không sở hữu, không đúng tên trên giấy tờ.
Ông Nhã cho biết thêm: "Đến nay, đã có khoảng 200 thuê bao không chính chủ đã bị khóa sau khi khách hàng phản ánh đến nhà mạng".
Ngoài ra, nhằm thực hiện lộ trình chuẩn hoá thông tin thuê bao, hạn chế SIM rác, các nhà mạng đã xây dựng quy trình chặt chẽ, rõ ràng để giúp người sử dụng tìm hiểu thông tin hay đề nghị loại bỏ thông tin của mình khỏi các giấy tờ không đúng.
Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của người sử dụng và tránh việc khóa nhầm các thuê bao chính chủ mà người dân đang sở hữu.
Lừa đảo trên livestream qua TikTok gia tăng
Theo phản ánh của báo chí về hiện tượng có nhiều tài khoản livestream trên TikTok kèm theo các đường link dẫn dụ người dùng đến các nền tảng khác, nhóm trên Facebook, Zalo... để thực hiện hành vi lừa đảo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, qua rà soát, TikTok Việt Nam cho biết, nền tảng đã phát hiện 2 tài khoản tổ chức livestream và có gắn đường link dẫn người dùng đến các ứng dụng Telegram và Zalo. Sau đó, các tổ chức này mời người dùng chơi game, tạo tài khoản để chuyển tiền, có dấu hiệu lừa đảo.
Đối với những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, ngoài việc nền tảng TikTok ngăn chặn bằng việc khóa tài khoản, Bộ TT&TT cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm khi đủ thông tin, số liệu liên quan.
Bộ TT&TT đang tiến hành phối hợp với TikTok Việt Nam, yêu cầu nền tảng cung cấp số liệu, thông tin liên quan để chuyển cho Bộ Công an phối hợp xử lý đối với những người liên quan có dấu hiệu lừa đảo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền thông tin tại họp báo.
Qua làm việc với TikTok, bà Huyền cũng nêu các quy định mà người dùng cần đáp ứng khi livestream trên TikTok như: Phải đủ 18 tuổi; tài khoản được tạo ít nhất 7 ngày; đạt kiểm tra nội bộ BRIC (Business Risk Integrated Control) và tài khoản phải có ít nhất 500 người theo dõi.
Nếu có những hành vi vi phạm chính sách nền tảng, có dấu hiệu lừa đảo thông qua livstream, TikTok sẽ xóa nội dung hoặc thậm chí xóa tài khoản tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Trong quá trình tham gia TikTok, người dùng cũng có thể báo cáo các nội dung livestream, chủ phòng livestream hay là người xem có dấu hiệu vi phạm.
Cũng theo đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, trong thời gian qua, Bộ đã có triển khai nhiều biện pháp quản lý các nền tảng xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam.
Trước đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok, và nền tảng đã cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam khi kinh doanh.
Bộ đề nghị TikTok triển khai các giải pháp để xây dựng không gian mạng an toàn, tích cực, có động thái mạnh tay để chống thông tin sai sự thật cũng như hạn chế lừa đảo trực tuyến trên nền tảng của mình.
Trong đó, việc ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung độc hại, kịp thời và quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo trên nền tảng của mình là việc tối quan trọng.