Để có được mức chi phí sống thấp, cuộc sống thoải mái ở vùng ngoại ô, nhân sự trẻ ở TPHCM chấp nhận mất 3-4 tiếng đồng hồ di chuyển mỗi ngày đến chỗ làm.
"Anh có nhà không? Em sang nằm nghỉ nhờ chút vì 19h còn một cuộc hẹn với đối tác", Hùng Huy (28 tuổi, ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM) hỏi đồng nghiệp cũ.
Bạn không thể giúp vì cũng vắng nhà, cậu chấp nhận chi 200.000 đồng, thuê một phòng riêng tại một quán cà phê kết hợp nghỉ ngơi ở quận 1 để có 2 tiếng ngả lưng.
"Những trường hợp tương tự, những lần vào nhà nghỉ "ngủ nhanh" 1-2 tiếng thường xuyên xảy ra với tôi vì 17h tan làm, nếu về nhà giờ đó thì mất thêm 2 tiếng kẹt xe, không đủ thời gian quay lại trung tâm thành phố cho kịp cuộc hẹn vào buổi tối", Huy giải thích.
Khoảng cách từ nhà đến công ty Huy là 24 km, cả đi lẫn về mất 4 tiếng đồng hồ nếu gặp tình trạng kẹt xe. Vì vậy, cậu bạn trẻ phải luôn dậy sớm và về nhà muộn hơn để tránh khung giờ cao điểm, nhằm cắt giảm thời gian di chuyển.
Dù vậy, mỗi khi trời mưa, trễ giờ làm hoặc gặp trường hợp bất khả kháng, Huy vẫn phải chịu cảnh tắc đường, thậm chí bị trừ tiền vì đến công ty muộn giờ chấm công.
Chủ đề về vấn đề đi làm xa nhà nhận nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ (Ảnh chụp màn hình).
Đi làm như đi phượt
Tương tự, Hồ Thị Tường Vy (25 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) cũng mất hơn 60 phút mỗi ngày để vượt 15km từ nhà đến công ty tại quận 2. Để đảm bảo đến làm trước giờ chấm công, Vy luôn phải tính toán thời gian, đặc biệt mùa mưa cô luôn dậy sớm hơn vì tình trạng kẹt sẽ diễn ra phức tạp, đồng thời phải kiểm tra kỹ xe và chú ý đổ xăng.
"Khu vực mình thuê từ thời sinh viên, đã quen đường sá, quán ăn, không khí… nên không muốn sang nơi khác. Đổi lại quận 2 chi phí đắt đỏ, ăn uống cũng nhỉnh hơn nên mình luôn lưu tâm mang đồ ăn ở nhà đến công ty", Vy nói.
Thanh Phong (24 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) tự nhận, quãng đường mỗi ngày đến công ty của bản thân là một chuyến đi phượt. Làm việc tại sàn thương mại điện tử ở quận 1, mỗi ngày cả đi lẫn về Phong mất gần 30km với 2,5 giờ đồng hồ di chuyển.
"Những buổi lỡ kẹt xe ở các cửa ngõ thành phố, công việc của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều, đôi lúc đến được công ty đã hít đủ khói bụi mệt phờ", Phong nói.
Thanh Phong chia sẻ bản thân gặp không ít tình huống oái ăm khi ở nhà xa công ty (Ảnh: NVCC).
Để thoát khỏi cảnh chen chúc trên đường, Phan Văn Đức (26 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) lựa chọn di chuyển bằng xe buýt. Thế nhưng, việc không chủ động được thời gian lẫn điểm đến cũng buộc cậu luôn phải cộng dôi thời gian eo hẹp trong lịch trình mỗi ngày đến hàng tiếng đồng hồ.
"Bắt xe trễ chuyến là lập tức muộn giờ chấm công. Hôm nào lên xe mà chưa chuẩn bị kịp tiền lẻ, đưa 200.000 đồng mua vé cũng ái ngại. Thực tế, mỗi ngày tôi mất không dưới 2 tiếng di chuyển cho hơn 20km", Đức nói.
Nhiều đoạn đường kẹt ở các quận ảnh hưởng giờ làm việc của các nhân sự (Ảnh: NVCC).
Thứ gì đáng để đánh đổi?
Việc sống ở khu vực xa trung tâm khiến nhiều bạn trẻ gặp không ít tình huống oái ăm. Ít nhất mỗi ngày luôn mất 2-3 tiếng "đánh võng" trên đường, phải đi sớm về muộn.
Trọ ở huyện Nhà Bè, mỗi ngày đến chỗ làm (ĐH Tôn Đức Thắng, quận 7), Nguyễn Thị Mến (28 tuổi, nhân viên thiết kế) đều mất nhiều giờ để lội đi lội về 40km.
"Công việc tôi làm linh hoạt thời gian, vì vậy hôm nào về trễ, sợ đường ngoại ô vắng thì tôi sẽ ngủ lại luôn tới ngày làm việc hôm sau", Mến kể.
Mặc dù thường xuyên kiểm tra nhưng nhiều lần Tường Vy vẫn sơ ý để hết xăng, buộc phải dắt bộ trên đoạn đường dài qua những điểm còn hoang vắng ở quận 2.
"Tôi không thể gọi điện cho bạn đến cứu trợ vì ai cũng xa đó cả. Có khi may thì người tốt đi ngang sẽ giúp mình đẩy xe đến cây xăng", Vy nói.
Ngọc Đan Thanh (24 tuổi, ngụ Gò Vấp, TPHCM) vẫn không quên cảm giác vừa đặt chân đến cơ quan thì phát hiện quên mang tài liệu khẩn. Không thể lộn lại quãng đường cần hơn 1 tiếng đồng hồ chạy xe, cô gái trẻ chỉ còn cách gọi người thân trợ giúp.
"Đi nửa đường thấy quên điện thoại, ví tiền, quay về lấy thì ắt trễ làm ít nhất 30 phút, đành chấp nhận bị phạt", Thanh nói.
Đan Thanh khóc mếu vì những lần quên tài liệu, phải vòng xe trở về nhà (Ảnh: NVCC)
Dù trải qua muôn chuyện khóc cười vì ở xa vậy, nhân sự trẻ hiện vẫn có xu hướng chọn cuộc sống ở ngoại ô. Lý do chủ yếu là do giá nhà, giá cả sinh hoạt thấp, áp lực giảm đáng kể, đáng để đánh đổi so với việc ở trung tâm thành phố.
"Mỗi tháng tôi đều nhận thêm 2 triệu đồng tiền phụ cấp xăng xe, điện thoại. Ngoài ra công ty chỉ yêu cầu chấm công 3 buổi/tuần nên các ngày còn lại có thể làm việc từ xa. Đã quen nếp sinh hoạt, cuộc sống dễ chịu ở ngoại ô nên việc đánh đổi di chuyển cũng thỏa đáng, thích nghi rồi mọi việc sẽ ổn", Hùng Huy nêu quan điểm.
Theo Dân trí
Người đàn ông ngày nào cũng mặc váy đi làm
TRUNG QUỐC - Mỗi buổi sáng, anh dành 2 giờ đồng hồ để hoàn thiện việc trang điểm, ăn mặc và chăm sóc mái tóc nhuộm màu hồng, trắng, dài ngang lưng.
Kỹ sư Việt chia sẻ thực hư việc đi làm ở Nhật dư được 100 triệu đồng/tháng
Có kinh nghiệm 4 năm làm việc tại Nhật Bản với vai trò kỹ sư chuyên ngành cơ khí, Duy Cường cho biết, sau khi trừ tiền thuế và phí sinh hoạt, để tiết kiệm được 100 triệu đồng mỗi tháng là rất khó.
Nhiều Gen Z ảo tưởng, đòi hỏi quá cao khi đi làm
Nhiều công ty đánh giá nhân sự thế hệ mới chưa thực tế. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các bạn trẻ cho rằng họ phá vỡ các tiêu chuẩn truyền thống nên đôi khi làm khó nhà tuyển dụng.
Bình luận