Mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm sẽ là trở ngại lớn cho đà phục hồi sau đại dịch.
- Mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm sẽ là trở ngại lớn cho đà phục hồi sau đại dịch.
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh những thách thức đặt ra sau đại dịch - Ảnh: Đ.TRUNG
Sáng 6-12, Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số" do Ban Kinh tế trung ương tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phát biểu mở đầu diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương - nói trước tác động của dịch COVID-19 đặt ra nhu cầu cấp bách là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19, hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt khi Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy vậy, ông Tuấn Anh cũng nhìn nhận quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn.
Đó là mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp còn thiếu tính bền vững.
Cũng chỉ ra những thách thức khi cho rằng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc nhưng được ứng dụng không đồng đều giữa các ngành, bà Mary Hallward-Driemeier - cố vấn kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) - chỉ ra chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang thay đổi và những nút thắt về thương mại, biến đổi khí hậu đặt ra thách thức lớn.
Trong đó, các ngành tự động, cơ giới máy móc sử dụng công nghệ, tự động hóa nhiều hơn, còn ngành da giày, dệt may ít có sự ứng dụng. Do đó, tiền lương thấp và lao động không còn là xu thế cạnh tranh của nhiều nước đang phát triển.
Đặc biệt, COVID-19 góp phần cho định hình việc đầu tư trong tương lai với chuỗi bền vững hơn và tăng tỉ trọng dịch vụ như nghiên cứu phát triển, marketing, hỗ trợ sau bán hàng…
"Việt Nam nên tập trung các ngành sản xuất nhưng cũng chú trọng hơn đến các ngành dịch vụ, tiếp tục đầu tư trên phạm vi rộng hơn, như kỹ năng người lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia để nâng cao công nghệ mới, thích ứng hơn với cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển bao trùm, triển khai công nghệ số" - bà Mary Hallward-Driemeier đề xuất.
Đón đầu cho ba xu thế mới sau đại dịch COVID-19, gắn đổi mới sáng tạo
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Yong Hongtaek - thứ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc - cho biết để chuẩn bị đón đầu cơ hội khi trật tự thế giới mới sau COVID-19 được thiết lập, ba định hướng chính được Chính phủ Hàn Quốc chú trọng.
Bao gồm tăng cường đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ vốn được dự báo sẽ tạo ra thay đổi trong tương lai, đặc biệt công ty khởi nghiệp từ phòng thí nghiệm, cho phép nhà khoa học trẻ tạo ra sản phẩm thiết yếu.
Tiếp đến là sự chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số, đặc biệt mô hình làm việc từ xa, làm tiền đề cho sự phát triển của sáng tạo, đổi mới công nghệ, AI, dữ liệu lớn. Theo đó, Hàn Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành đạo luật khung về dữ liệu, thúc đẩy ngành công nghiệp dữ liệu.
Ngoài ra, Hàn Quốc xây dựng các cụm đổi mới sáng tạo, gọi là đặc khu cho phát triển, nơi quy tụ hàng trăm trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, 5.000 công ty và 60.000 nhà khoa học với quy mô vốn hỗ trợ lên tới 1.000 tỉ won.
"Để tận dụng hiệu quả các xu hướng trên, cần thiết lập các nền tảng, củng cố tăng cường mối quan hệ thương mại hóa công nghệ, kết nối trường đại học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và doanh nghiệp… và nâng cao hơn nữa vai trò Chính phủ là hỗ trợ cho các nền tảng này" - ông Yong Hongtaek nói.
Nghị quyết của Bộ Chính trị: Tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá
TTO - Bộ Chính trị nhấn mạnh phải coi viêc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
NGỌC AN