Khoảng 10h sáng ngày 18/2, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, lại thêm một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 người tử vong, 2 người bị thương.
Thời điểm trên, ông Phan Đình Kiều (SN 1969, trú Tp.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) điều khiển xe ô tô BKS 36A – 485.67 chở theo vợ chồng anh Phan Đình Quý và 2 con của anh Quý là cháu Phan Đ.Q. (SN 2015) và Phan Lê K.V. (SN 2009) lưu thông theo đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, từ Đà Nẵng ra Thanh Hóa.
Khi đến tại Km48+200, ô tô do ông Kiều điều khiển vượt phải va quệt với xe đầu kéo BKS 63C - 136.59 kéo theo rơ-moóc 63R- 00.227 chạy cùng chiều khiến tài xế mất lái, lao xe về bên trái và bị xe tải BKS 63H-005.68 chạy ngược chiều đâm bay xuống ta luy âm cao tốc.
Khu vực xảy ra vụ tai nạn thảm khốc vào sáng 18/2.
Sau khi tai nạn xảy ra, nhiều clip trích xuất từ camera giám sát hành trình được chia sẻ lên mạng xã hội. Xem clip phản ánh các góc độ của vụ việc, nhiều ý kiến nhận định lỗi đầu tiên thuộc về tài xế xe con, ngoài ra cũng đặt vấn đề có một phần do lỗi thiết kế đường bất hợp lý.
Cụ thể, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn khi tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn được thiết kế 2 làn xe, các làn được phân cách bằng vạch kẻ đường. Riêng những điểm cho phép vượt xe được bố trí 2 làn, ngăn cách bằng giải phân cách cứng. Tại các đoạn được phép vượt xe dù đã có hệ thống biển báo nhưng vì đường được bố trí "làn nhập làn" như dạng nút thắt cổ chai, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, còn tồn tại những bất cập trong việc chỉ dẫn giao thông trên đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Cũng liên quan đến tuyến cao tốc này, vào tháng 10/2023, Bộ Công an từng có văn bản gửi Bộ GTVT về việc khắc phục bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc.
Trong đó, Bộ Công an đã chỉ ra 132 mục bất cập với 7 đoạn tuyến cao tốc chưa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng. Trong 7 tuyến cao tốc này có tuyến Cam Lộ- La Sơn, nơi vừa xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm 3 mẹ con tử vong hôm 18/2.
Theo Bộ Công an, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ có 2 làn xe, bề rộng đường 23m, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp, cứ 10km bố trí 1 đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe.
Đánh giá những đoạn tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT, do đó Bộ Công an từng đề xuất Bộ GTVT xây dựng lộ trình cụ thể nâng cấp, cải tạo 7 tuyến cao tốc chưa đạt tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc (trong đó có tuyến Cam Lộ- La Sơn). Ngoài ra, với tuyến Cam Lộ - La Sơn, Bộ Công an đề xuất nghiên cứu hạ cấp khai thác nhằm đảm bảo đúng quy định.
Cũng theo thống kê của Bộ Công an, từ khi thông xe (31/12/2022) đến tháng 10/2023 (thời điểm Bộ Công an gửi văn bản tới Bộ GTVT) xảy ra 4 vụ TNGT trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Vào ngày 2/11/2023, cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc này tại km 04+650 đoạn qua xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) khiến 2 người bị thương. Và gần đây nhất là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vào ngày 18/2 vừa qua.
Trao đổi với Người Đưa Tin xung quanh vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình cho rằng, nguyên nhân chính xác của vụ việc kể trên cần có kết luận từ phía cơ quan công an, tuy nhiên nguyên nhân ban đầu dựa trên trích xuất camera hành trình cho thấy vụ tai nạn xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông.
“Qua hình ảnh của camera hành trình có thể thấy 100% lỗi gây ra vụ tai nạn là do điều khiển xe thiếu an toàn của tài xế xe ôtô con. Người này đã không quan sát, không làm chủ được tốc độ khi vượt xe đầu kéo dẫn đến tình huống vượt xe thiếu an toàn, gây nên tai nạn”, ông Bình đánh giá, đồng thời cho biết việc cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế ô tô 7 chỗ cũng đã chứng minh điều này.
Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào sáng 18/2 làm 3 người chết.
Về việc có nhiều ý kiến cũng cho rằng, những bất cập trong công tác thiết kế, thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng là một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ tai nạn kể trên, chuyên gia giao thông này cho rằng đây là những quan điểm mang “tính chủ quan”, nhiều người chỉ dựa vào việc quan sát hình ảnh để đưa ra đánh giá mà chưa trực tiếp đi qua hiện trường bao giờ.
“Tính năng an toàn của đường bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta không thể chỉ dựa vào một vài bức ảnh để đưa ra đánh giá mà phải sự thực chứng trực tiếp tại hiện trường. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, việc phân kỳ đâu tư cao tốc trong đó có các đoạn 2 làn xe là điều bình thường. Tất nhiên đây không phải là mục tiêu lý tưởng và chúng ta cần hướng đến việc mở rộng các tuyến cao tốc này để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khi bố trí được nguồn lực.
Và ngay cả những tuyến cao tốc 2 làn xe này cũng đã được thiết kế, thẩm định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn được quy định, đủ khả năng đảm bảo an toàn để vận hành. Như vậy lúc này điều cần thiết để đảm bảo an toàn là người điều khiển phương tiện phải chấp hành đúng, đủ các quy tắc giao thông”, TS. Phan Lê Bình đánh giá.
Nêu so sánh, ông Bình cho biết ở Nhật Bản hay một số nước châu Âu cũng có những tuyến đường cao tốc 2 làn xe tương tự tuyến Cam Lộ - La Sơn nhưng vẫn được đánh giá là đảm bảo an toàn nhờ vào việc tài xế luôn ý thức và chấp hành các quy tắc an toàn.
Cũng theo chuyên gia này, trong trường hợp cần thiết, có thể cho phép các đơn vị tư vấn có chuyên môn tiến hành đánh giá tính năng an toàn đối với đoạn đường cao tốc đã xảy ra tai nạn để có những điều chỉnh phù hợp nếu xác định nguy cơ mất an toàn.
Trước mắt, để tăng tính an toàn, có thể bổ sung thêm các biển báo cảnh báo nguy hiểm, thông báo việc nhập làn hoặc hạn chế tốc độ để người điều khiển phương tiện chủ động xử lý tình huống.
Chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình.
“Ở góc độ an toàn giao thông, bất cứ tuyến đường nào cũng có những khả năng mất an toàn, phụ thuộc vào hành vi lái xe không an toàn của người điều khiển phương tiện. Trong những năm qua, chúng ta đã rất nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kéo giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta đang ngày càng mở rộng mạng lưới đường cao tốc trong khi ý thức, văn hóa giao thông của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, chậm được cải thiện thì tai nạn giao thông còn có thể tăng, khó lòng kéo giảm được như các mục tiêu đã định. Thực tế các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc mà nguyên nhân đến từ lỗi chủ quan của người điều khiển là chủ yếu”, TS. Phan Lê Bình thẳng thắn nhìn nhận.
Cũng trao đổi với Người Đưa Tin về những thông tin trái chiều từ dư luận về thiết kế đoạn đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT khẳng định: “Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được thi công xây dựng tuân thủ theo đúng thiết kế, có đủ biển báo giao thông, vạch kẻ đường đầy đủ. Hiện nay dư luận trên các mạng xã hội cũng phân tích và đánh giá nhiều, thế nhưng để kết luận rõ ràng thì cần phải chờ kết luận từ cơ quan cảnh sát điều tra. Còn tất cả thông tin trong tổ chức giao thông trên tuyến đường này đã được công bố, khuyến cáo rất rõ ràng từ trước đó”.
Ông Dũng cũng cho biết ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu các điểm đường có thiết kế như đoạn đường mới xảy ra vụ tai nạn kể trên để nghiên cứu phương án tổ chức, hạ tầng giao thông xem có vấn đề gì không. Nếu có sẽ tiến hành khắc phục.
Người phát ngôn Bộ GTVT nhấn mạnh, khi đầu tư xây dựng đường cao tốc, tất cả các phương án tổ chức giao thông đều được áp dụng, thực hiện theo quy định. Không chỉ mới đây mà việc rà soát, nghiên cứu nâng cấp các tuyến đường cao tốc 2 làn xe đã được Thủ tướng chỉ đạo từ thời điểm năm ngoái (2023). Bộ GTVT cũng đã rà soát và lên kế hoạch để đầu tư hoàn thiện các tuyến cao tốc đó. Tuy nhiên, việc này vẫn phải phụ thuộc vào khả năng cân đối nguồn vốn.