Theo Phó chủ tịch TP HCM Dương Anh Đức, thành phố dựa vào tình hình thực tế để đưa ra biện pháp chống dịch theo từng khu vực là phù hợp hoàn cảnh hiện nay.
Theo Phó chủ tịch TP HCM Dương Anh Đức, thành phố dựa vào tình hình thực tế để đưa ra biện pháp chống dịch theo từng khu vực là phù hợp hoàn cảnh hiện nay.
Quan điểm trên được Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nói tại cuộc họp báo chiều 19/6 khi trả lời câu hỏi "TP HCM có áp dụng Chỉ thị 16 để chống dịch hay vẫn dùng Chỉ thị 15 trong bối cảnh Covid-19 trên địa bàn đang rất phức tạp?".
Theo ông Đức, thành phố áp dụng những biện pháp cụ thể với hoàn cảnh thực tế của thành phố, chứ không căn cứ toàn bộ theo các Chỉ thị. Theo đó, thành phố dựa trên các quy định của Bộ Y tế về đánh giá nguy cơ ở địa phương 4 mức: bình thường, nguy cơ thấp, nguy cơ và nguy cơ cao. Nơi cao nhất sẽ bị phong tỏa.
Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức, người được giao phụ trách chỉ đạo toàn bộ công tác chống dịch tại TP HCM. Ảnh: Hữu Công.
"Chỉ thị 15 và 16 áp dụng trên toàn quốc vào tháng 3/2020. Vì vậy, thành phố căn cứ đưa ra các biện pháp chống dịch tùy theo từng khu vực là phù hợp với hoàn cảnh thành phố trong thời điểm hiện nay", ông Đức nói.
Trả lời câu hỏi vì sao không thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 cả quận Bình Tân như Gò Vấp trước đây dù quận này đang ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, ông Đức nói, nếu áp dụng biện pháp phong tỏa một địa phương lớn sẽ rất khó khăn trong việc tổ chức và cả người dân trên địa bàn. Đồng thời, phương châm chống dịch của Việt Nam ban đầu khoanh vùng rộng, sau thu hẹp nhất có thể để giảm tối đa ảnh hưởng người dân.
Ngoài ra, theo ông Đức, thực tế một quận của TP HCM có dân số rất đông, địa bàn rộng, tình hình trong cùng một địa phương cũng rất khác nhau nên cần có biện pháp chống dịch khác nhau. Theo đó, số lượng các ca F0 ở Bình Tân lớn – đến nay hơn 200 ca nhưng tập trung chủ yếu gần như tất cả trong 3 khu phố của phường An Lạc và khu dân cư thuộc quận 8 kế bên. Còn những khu vực còn lại giống như những nơi khác.
"Vì vậy, thành phố quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa 3 khu phố của Bình Tân và một số ấp của Hóc Môn để giảm tối thiếu mức độ tiếp xúc. Mục tiêu là trong thời gian ngắn nhất có thể cắt đứt các chuỗi ở khu vực này", ông Đức nói.
Theo ông Đức, ngoài các khu vực phong tỏa, phần còn lại của thành phố vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15+. Ngoài ra, thành phố sẽ bổ sung thêm một số quy định mới cũng như có điều chỉnh, nới bớt một số khoản cho thực tế hơn, đồng thời siết chặt một số quy định khác để bảo đảm chống dịch hiệu quả.
Theo đó, TP HCM sẽ dừng hoạt động taxi truyền thống và công nghệ, xe buýt, xe liên tỉnh; ngưng hoạt động chợ tự phát; không tụ tập 3 người đối với nơi công cộng ngoài công sở, phạm vi bệnh viện, trường học...
"Thành phố sẽ bổ sung thêm một biện pháp về chuyên môn là nâng năng lực xét nghiệm của hệ thống y tế thành phố lên 500.000 mẫu một ngày (hiện 100.000 mẫu). Mục đích để có thể quét nhanh những khu vực nguy hiểm, nguy cơ F0 cao", ông Đức nói.
Tính đến tối nay, TP HCM đã ghi nhận 1.481 ca nhiễm, xếp thứ ba cả nước kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 27/4. Hiện, 12.260 người cách ly tập trung, 20.122 trường hợp cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Hữu CôngNhững biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.Trở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×