‘Người dân phải tiêu quá nhiều tiền túi vào y tế là không chấp nhận được'
Linh Giao Xem các bài viết của tác giả
08/11/2023 10:29 (GMT+07:00)
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết tỷ lệ sử dụng tiền túi trực tiếp của người dân cho dịch vụ y tế ở mức 40% và rất khó giảm trong tình hình hiện tại. Việc thiếu thuốc ở bệnh viện tiếp tục được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Y tế tại phiên chất vấn.
Người dân phải chi tiền túi cho dịch vụ y tế vẫn cao
Ý kiến trên được Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ra trong phiên chất vấn sáng 8/11. Theo bà Phong Lan, Nghị quyết 20/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Ban chấp hành Trung ương đặt mục tiêu làm thế nào giảm bớt tỷ lệ sử dụng tiền túi của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.
Cụ thể là đến năm 2025, phải giảm tỷ lệ này xuống 35%. Bà Lan cho rằng ở năm 2023, con số này luôn trên 40% và sẽ rất khó giảm trong tình hình hiện tại.
“Nếu người dân phải tiêu quá nhiều tiền túi vào dịch vụ y tế là không thể chấp nhận được", vị đại biểu này chia sẻ.
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, đánh giá đây là câu hỏi hay và mang tầm vĩ mô. Vấn đề này liên quan đến chuyển đổi mô hình chăm sóc y tế cũng như phải tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường công tác dự phòng, giảm bớt chi phí điều trị.
Bộ trưởng Bộ Y tế trong phiên chất vấn sáng 8/11.
Lý giải nguyên nhân tại sao tiền chi này tăng, Bộ trưởng Y tế cho rằng do mô hình bệnh tật biến đổi nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, nhận thức chỉ đi viện khi đã có bệnh cũng khiến chi phí điều trị tăng mà hiệu quả không cao.
Người đứng đầu ngành y tế nêu ra 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững, tăng cường cho công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm. Thứ hai, tăng cường nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Thứ ba, có mô hình tài chính bền vững, tăng cường độ bao phủ của Bảo hiểm y tế.
"Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ bỏ tiền túi trực tiếp của người dân cho y tế ở 30% mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là các giải pháp có tính tổng thể chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai", bà Đào Hồng Lan nói.
Đang xây dựng thông tư về thanh toán bù cho người bệnh có thẻ BHYT
Trong khi đó, Đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ có nhiều cử tri nhắn tin than phiền về chuyện phải mua thuốc bên ngoài do bệnh viện thiếu thuốc. Thậm chí, người bệnh ra ngoài mua thuốc với giá rất đắt nhưng không phải ai cũng mua được. Đại biểu đề nghị phải có giải pháp kịp thời cho bệnh nhân Bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, vấn đề lạm dụng xét nghiệm cũng được đặt ra.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay ngay trong chiều qua, Bộ Y tế đã họp bàn về những nội dung này để có phương án cụ thể.
Một trường hợp bệnh nhân ở Bình Dương phải tự mua hàng chục loại vật tư y tế để mang vào phòng mổ. Ảnh: NVCC.
Theo điều 31 Luật Bảo hiểm y tế về trường hợp thanh toán BHYT, Bộ Y tế được quy định các trường hợp khác. Tuy nhiên, để đưa quy định vào thực tiễn phải có các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai.
Cần có quy định rất rõ ràng về điều kiện nào thì người bệnh được thanh toán lại, điều kiện nào tránh lạm dụng đẩy người bệnh ra ngoài mua thuốc trong khi trách nhiệm mua thuốc, vật tư là của cơ sở y tế.
Việc xây dựng thông tư trên được Bộ Y tế giao cho Vụ Bảo hiểm y tế và đang tích cực triển khai. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các bộ ngành, địa phương để hoàn thiện.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng xét nghiệm
Liên quan đến lạm dụng xét nghiệm, bà Đào Hồng Lan xác nhận tình trạng này có xảy ra, gây bức xúc và tốn kém cho người bệnh, ảnh hưởng đến quỹ Bảo hiểm y tế. Theo bà Lan, có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến lạm dụng xét nghiệm.
Thứ nhất là nhận thức và trình độ cuả người chỉ định xét nghiệm, muốn nhanh và chính xác nên chỉ định nhiều hơn. Nhận thức này cần điều chỉnh để có các chỉ định hợp lý nhất.
Thứ 2, trước đây trong y tế, xã hội hóa liên doanh liên kết được thực hiện rất nhiều. Việc làm sao để thu hồi nhiều tiền bỏ ra đã đẩy các xét nghiệm nhiều lên. Thực tế đã có những vụ việc, vụ án được chấn chỉnh.
Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng người bệnh cũng có nhu cầu được xét nghiệm. Bà Lan dẫn chứng có những vụ kiện người dân nói 2-3 tháng trước đi khám không phát hiện bệnh mà giờ lại có. “Nếu không thực hiện xét nghiệm, người dân cũng không hài lòng”, bà nói.
Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về chỉ định xét nghiệm, tránh lạm dụng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong đó, Luật Khám chữa bệnh được Quốc hội thông qua có rất nhiều quy định mới liên quan đến nội dung này hay quyết định 316/2016 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến liên thông kết quả xét nghiệm, thông tư quy định về các định mức kỹ thuật, trần thanh quyết toán, tăng cường giám định BHYT...
Bà Lan cho biết trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các văn bản liên quan đến chỉ định xét nghiệm để tránh phiền hà cho người dân nhưng vẫn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh.
Nghịch lý bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu', bệnh nhân chen chúc ở cơ sở xuống cấp
Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng dừng thi công hơn một năm nay. Trong khi đó, tại cơ sở cũ đã xuống cấp, bệnh nhân chịu cảnh chen chúc, chờ 3-4 tháng để được xạ trị.
Bệnh nhân có BHYT vẫn phải tự mua thuốc khi nào được thanh toán bù?
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện chưa có quy định về việc thanh toán trực tiếp cho người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế khi phải tự mua thuốc bên ngoài. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn đang xây dựng thông tư liên quan đến vấn đề trên.
'Cha tôi 3 lần phải tự mua vật tư y tế, xách vào phòng mổ'
Đó là tâm sự của chị Lan (TP.HCM) về hành trình 3 lần phẫu thuật của cha tại một bệnh viện tỉnh trong cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế. “Tôi không khiếu nại bệnh viện, nhưng không thể im lặng khi phải tự mua dao mổ, găng tay”, chị trải lòng.
Bình luận