Nhiều người tỏ ra khá lo ngại, nghĩ rằng Thiền là phải buông bỏ hết mọi thứ để chuẩn bị đi tu giống như các thầy chùa. Nhưng thực tế không phải như thế. Vậy thực tập thiền để buông bỏ có nghĩa là gì?
Thiền không có nghĩa là buông bỏ
Cuộc sống này có điều gì khiến bạn phải bận tâm, có điều gì khiến bạn phải gồng mình để chấp nhận? Có thể đó là sự nuối tiếc về những kỷ niệm buồn hay vui, hay cũng có thể là cảm giác mong đợi một ai đó, một việc gì đó, thậm chí là cảm giác thất vọng về một điều đang diễn ra trong cuộc sống, hay cũng có thể là sự hoài niệm về một món đồ, một người thân mà bạn đã gắn bó rất lâu nhưng nay bạn không có được nữa? Chúng ta dễ dàng bị mắc kẹt vào nhiều thứ và kết quả là ta cảm thấy nặng nề, ta như bị ghì xuống như đang vác theo gánh nặng cả cuộc đời.
Nhiều người tỏ ra khá lo ngại, nghĩ rằng Thiền là phải buông bỏ hết mọi thứ để chuẩn bị đi tu giống như các thầy chùa.
Và rồi, đôi khi ta lại muốn bỏ đi đâu đó, yên tĩnh một mình…và cứ như vậy, chúng ta quẩn quanh giữa những mong muốn và sự bức bối của chính mình. Rõ ràng rằng, nếu chúng ta ko có phương pháp thì dù có ở đâu, chúng ta cũng sẽ không thoát ra được sự hỗn độn trong tâm trí. Đó là lý do mà chúng tôi chia sẻ với bạn về bài thực hành: Sự buông bỏ!
Nên thực hành thiền, buông bỏ như thế nào?
Ngay cả đối với người hành thiền lâu năm, họ tách biệt với xã hội huyên náo ngoài kia, tìm về những nơi núi rừng tĩnh mịch để chuyên tâm tu tập nhưng vẫn ko thể tránh khỏi việc tâm trí bị xao động, không dễ dàng để trút bỏ được những vướng bận, trút bỏ được tất cả những cảm xúc khó chịu hay đau khổ mà họ từng trải qua.
Phần lớn thời gian, tâm trí của tất cả mọi người đều bận rộn, vì thế mà ta thường cảm thấy khá mệt mỏi và cảm thấy quá tải. Chúng ta thường không biết cách trải nghiệm cảm giác nghỉ ngơi thư giãn nên trong tình huống đó, việc ta thường làm là cố gắng và nghĩ cách để thoát khỏi vấn đề.
Vì thế ta cần phải tìm cách buông bỏ, không chỉ bằng việc mang đến sự thư thái từ những thứ xung quanh mà còn phải biết được cách tìm kiếm sự thư giãn từ bên trong tâm trí mình. Bạn không phải tìm ở đâu xa, nó vẫn luôn ở đó. Đôi khi việc hình dung ban đầu có vẻ khá phức tạp, nhưng thông thường cái khó nằm ở cách chúng ta tiếp cận chứ không phải ở bản thân kỹ thuật.
Kỹ thuật này thực sự khá dễ học. Bây giờ, trong bài thực hành cụ thể này ta sẽ tưởng tượng một luồng ánh sáng ấm áp đang chiếu xuống, qua đỉnh đầu và đi vào cơ thể. Luồng ánh sáng đó đi tới đâu là giúp cơ thể của ta thư giãn tới đó. Khi đang tưởng tượng có thể ta sẽ tự nhủ, được rồi, mình phải làm cho đúng … mình phải hình dung cho rõ trong đầu rồi ta bắt đầu cố gắng tưởng tượng.
Cơ bản là ta nghĩ ngợi quá nhiều về bài tập, ta lo lắng. Luồng sáng nhỏ hay to, tròn hay vuông. Ta cứ bị cản trở, nên với bài tập cụ thể này ta chọn cách tiếp cận hơi khác. Hãy dành chút thời gian tưởng tượng về một nơi bạn rất thích. Hình dung nơi đó trong tâm trí, có thể là màu sắc, hình dáng, có thể là âm thanh, mùi hương… Tôi đoán là ngay bây giờ, hình ảnh đó hiện ra trong đầu, cứ thế mà thấy, thậm chí nó có thể lưu lại vài giây trong tâm trí mà chẳng cần phải chút cố gắng nào để níu giữ nó lại.
Buông bỏ suy nghĩ miên man chứ không phải là vứt bỏ mọi thứ.
Hãy nhớ rằng, điều đó không đòi hỏi nỗ lực nào quá lớn, cho nên hãy bớt tập trung vào mức độ rõ ràng của hình ảnh mà hãy để ý nhiều hơn đến cảm giác mà nó mang lại cho bạn khi thực hành bài tập, theo thời gian hình ảnh đó tự nhiên sẽ trở nên dễ dàng hình dung hơn. Khi thực hành thường xuyên ta sẽ thấy thoải mái hơn với việc đó và rồi ta không chỉ trải nghiệm những ích lợi trong lúc thiền mà lợi ích đó còn tiếp diễn trong suốt quãng đời còn lại.
Giờ là lúc chúng ta thử thực hành bài thiền để buông bỏ những suy nghĩ miên man của mình! Buông bỏ suy nghĩ miên man chứ không phải là vứt bỏ mọi thứ bạn nhé! Chúc bạn có cảm giác nhẹ tênh sau vài phút thực hành bài tập này.