Trang Chủ / Tin Thị Trường / Tiền Giang: Xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 81 tỷ đồng

Tiền Giang: Xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 81 tỷ đồng

Tin Thị Trường

Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu, trong đó có nước ta.

Trên địa bàn tỉnh, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn xảy ra nhưng không phát sinh điểm nóng, vấn đề phức tạp.

Tiền Giang: Xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 81 tỷ đồng

Các vụ việc vi phạm chủ yếu xảy ra trên các lĩnh vực hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng đối với các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, thực phẩm, thuốc lá điếu nhập lậu.

Với sự quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, Ban Chỉ đạo 389/TG chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh.

Kết quả, trong năm 2023 đã tuyên truyền pháp luật hơn 53.000 lượt (vượt 43% chỉ tiêu đăng ký đầu năm); thanh tra, kiểm tra thực hiện hơn 3.600 vụ (vượt 42% chỉ tiêu đăng ký), phát hiện và xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 81 tỷ đồng.

Các vụ việc vi phạm chủ yếu xảy ra trên các lĩnh vực hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng đối với các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, thực phẩm, thuốc lá điếu nhập lậu...

Đặc biệt, công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử được quan tâm hơn và dần có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, ngày 19/12/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do Đội QLTT số 6 chủ trì kiểm tra đột xuất tại 2 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang).

Đoàn kiểm tra lấy 3 mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng. Kết quả, có 2 mẫu là hàng giả và 1 mẫu không đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, đoàn ghi nhận các cơ sở này còn vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó, có nhãn ghi không đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa).

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị, vào các ngày 26 và 29/01/2024 cả 02 cơ sở vi phạm đã bị Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang và Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm đã nêu với tổng số tiền hơn 90 triệu đồng.

Tiếp đến, ngày 27/12/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do Đội QLTT số 6 chủ trì kiểm tra đột xuất 02 hộ kinh doanh phân bón tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang).

Thực tế kiểm tra, các cơ sở này buôn bán phân bón có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa. Đoàn kiểm tra lấy 3 mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng. Kết quả, có 2 mẫu không đảm bảo chất lượng và 1 mẫu là hàng giả.

Đội QLTT số 6 hoàn chỉnh hồ sơ trình và vào các ngày 31/01, 02/02/2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang và Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở về các hành vi vi phạm nêu trên tổng cộng gần 100 triệu đồng.

Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Trong năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dự báo tiếp tục diễn ra; đặc biệt phương thức, thủ đoạn vi phạm trong môi trường thương mại điện tử, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Do đó, Ban Chỉ đạo 389/TG tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389/TG; thực hiện phương châm phòng, chống từ xa các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tiền Giang: Xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 81 tỷ đồng

Trong năm 2024, lực lượng chức năng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Hai là, đảm bảo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đạt hiệu quả, xử lý kiên quyết, dứt điểm, triệt để các hành vi vi phạm, không để phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa phương. Chú trọng các mặt hàng thuốc lá điếu, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, mỹ phẩm, dược phẩm...

Tăng cường kiểm tra hoạt động thương mại điện tử. Khảo sát, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doang xăng dầu; không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, lợi dụng tình hình biến động giá để ngưng nghỉ nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường.

Ba là, duy trì thường xuyên việc tiếp nhận, kịp thời xử lý thông tin tiếp nhận về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389/TG, của cơ quan, đơn vị.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các ngành chức năng.

Năm là, tiếp tục thực hiện nghiêm Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đồng thời, tập thể Ban Chỉ đạo 389/TG phát huy tinh thần đổi mới, năng động, hiệu quả, không chủ quan, lơ là và tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389/TG.

Nguồn: Nguồn www.nguoiduatin.vn

Tiền Giang: Xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 81 tỷ đồng - Tin Thị Trường