TTO - Tối 8-7, UBND TP.HCM tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về triển khai thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng tại TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra.
TTO - Tối 8-7, UBND TP.HCM tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về triển khai thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng tại TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo - Ảnh: TIẾN LONG
Tại cuộc họp này, lãnh đạo UBND TP cũng như các sở, ngành liên quan giải đáp nhiều thông tin liên quan đến các vấn đề dân sinh mà người dân quan tâm sau khi có quyết định giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo chỉ thị 16.
Trong đó, người dân quan tâm nhiều đến vấn đề như việc tạm ngưng các hoạt động kinh doanh ăn uống mang về, dịch vụ giao hàng, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, giải quyết hồ sơ của người dân, điều kiện ra vào thành phố...
Cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu được hoạt động, còn lại ngừng
Thông tin đầu cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết nội dung của công văn hướng dẫn của UBND TP.HCM về giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 cơ bản xoay quanh việc đảm bảo giãn cách xã hội, chỉ duy trì những hoạt động dịch vụ thiết yếu và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngưng tất cả những hoạt động không cần thiết. Đối với cơ quan nhà nước ngưng các cuộc họp không cần thiết, không nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến (trừ một số thủ tục hồ sơ đặc biệt).
Về giao thông, hạn chế đi lại không cần thiết trên đường, đảm bảo lưu thông hàng hóa, cung ứng những mặt hàng thiết yếu cho đời sống và sản xuất.
TP cũng tiếp tục cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp sản phẩm thiết yếu được hoạt động để đảm bảo nhu cầu của người dân.Trong đó duy trì nguồn cung ứng để bà con yên tâm.Những siêu thị, cửa hàng tiện lợi đảm bảo dồi dào hàng hóa, các chợ truyền thống đảm bảo an toàn vẫn được duy trì để đáp ứng nhu cầu người dân.
Trao đổi về câu hỏi shipper có được hoạt động, ông Dương Anh Đức cho biết các dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, vận chuyển hàng hóa không chở người vẫn duy trì.
Theo ông Đức, trước đây, trong chỉ thị 10, TP đã cấm buôn bán tại chỗ, trong đợt giãn cách này sẽ cấm luôn việc bán mang về.
Các cửa hàng tạp hóa có được bán không? Ông Đức trả lời: tạp hóa có nhiều loại, nếu bán những mặt hàng thiết yếu thì được, ví dụ bán hiệu thuốc thì được nhưng nếu bán nồi, niêu, xoong chảo không được.
Cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu được tiếp tục hoạt động trong thời gian TP.HCM giãn cách theo chỉ thị 16, còn lại phải tạm ngừng - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trao đổi về hoạt động từ thiện phát cơm, hỗ trợ người nghèo có được hoạt động trong đợt giãn cách, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết về nguyên tắc không cấm nhưng phải đảm bảo yêu cầu. Nếu hoạt động từ thiện được tổ chức ngăn nắp, trật tự, đảm bảo không tụ tập quá 2 người thì được hoạt động.
Nói cụ thể hơn, ông Đức cho biết mục đích đợt giãn cách này là đảm bảo giãn cách cao nhất nên có nhiều ràng buộc, phải đảm bảo an toàn mới được thực hiện.
Sở GD-ĐT: Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 an toàn
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong hai ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, TP.HCM ghi nhận 3 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi, đã xử lý lập biên bản theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Kỳ thi không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.
Trong ngày thi 8-7, ở môn thi ngoại ngữ chiều 8-7, toàn TP có 75.959 thí sinh dự thi trong tổng số 78.261 thí sinh đăng ký dự thi, vắng 2.302 thí sinh, đạt tỉ lệ97,06%. Các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, tỉ lệ thí sinh dự thi đạt 94-97%.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, trong tình hình dịch bệnh nhưng con số này cho thấy số thí sinh tham gia thi đợt 1 khá cao. Các điểm thi an toàn, đảm bảo giãn cách, phụ huynh học sinh không tụ tập.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM chiều 8-7 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trước kỳ thi, vào ngày 3-7, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức xét nghiệm cho thí sinh và cán bộ coi thi, những thí sinh có kết quả âm tính mới được tham dự kỳ thi. Cũng trong lần xét nghiệm này, có một số mẫu gộp dương tính, khi tổ chức xét nghiệm đơn lại cũng là dương tính nên những thí sinh và cán bộ liên quan không tham gia kỳ thi.
Ngoài ra ở một số điểm thi có thí sinh đã được xét nghiệm âm tính ngày 3-7 nhưng dương tính sau đó. Chẳng hạn tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, ngày 6-7 thí sinh làm thủ tục dự thi bình thường, lúc vào thi môn văn thì một thí sinh sức khỏe có vấn đề, sau đó được xác định dương tính. Phó chủ tịch UBND TP đã trực tiếp chỉ đạo đưa em thí sinh vào viện, phòng thi được khử khuẩn. Phòng thi có em thí sinh này tham dự được chia ra để giãn cách để thí sinh thi các môn tiếp theo.
Tại một điểm thi khác, có trường hợp thí sinh trong gia đình có người F0 nên điểm thi đã tách em này ra, phòng thi được khử khuẩn và chia ra thi phòng thi dự phòng.
Với các thí sinh này, Sở cho các em lựa chọn nếu thi tiếp tục thì thi, không thì làm đơn bảo lưu thi đợt 2.
Ông cũng cho biết nhìn chung thí sinh dự thi tại TP đã chấp hành tốt các quy định về quy chế thi, không có tình trạng để lọt đề thi ra ngoài.
Về công tác chấm thi, TP.HCM sẽ tiến hành chấm từ ngày 9 đến 28-7. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, ấn phẩm ấn chỉ, điều động nhân sự đã thực hiện đầy đủ.
Sở sẽ triển khai xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ lãnh đạo, nhân sự tham gia đợt chấm thi ngày 9-7, luôn thực hiện 5K, trang bị kính chắn giọt bắn khi thực hiện nhiệm vụ, triển khai phương án vào ra theo cổng, giãn cách theo quy định.
Không lý giải được lý do chắc chắn, người dân không được ra đường
Phóng viên đặt câu hỏi việc xử phạt người dân ra đường khi không cần thiết thực hiện như thế nào? Thẩm quyền do ai xử phạt?
Ông Dương Anh Đức cho biết theo quy định, áp dụng chỉ thị 16 chỉ được ra đường giải quyết nhu cầu cấp thiết. Nếu không lý giải được việc di chuyển chắc chắn không được phép.
Đi từ TP.HCM sang tỉnh khác thì một số địa phương và Bộ Y tế đã nêu rõ. Ví dụ, từ TP.HCM đi tỉnh khác phải cách ly 7 ngày.
Theo ông Đức, người dân bao gồm công chức, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý như nhau. Việc xử phạt người dân ra đường khi không có nhu cầu thiết yếu được quy định trong Nghị định 117 năm 2020. Thẩm quyền xử phạt thuộc chủ tịch UBND cấp xã, chánh thanh tra sở y tế, trưởng phòng công an cấp tỉnh.
Liên quan đến việc bảo đảm an toàn sản xuất trong khu công nghiệp, khu chế xuất…, ông Dương Anh Đức cho biết, thực tế đã có những doanh nghiệp TP đã yêu cầu ngừng hoạt động do không đảm bảo an toàn. Sau khi dừng, doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại phải khắc phục và chứng minh được an toàn mới được hoạt động trở lại.
TP cũng có chủ trương để doanh nghiệp phối hợp với TP tổ chức kiểm tra sức khỏe, test nhanh cho cán bộ, công nhân viên nhằm phát hiện sớm nguồn lây.
Người, xe muốn ra vào TP.HCM trong thời gian giãn cách phải làm gì?
CSGT kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 của tài xế từ TP.HCM đi Long An chiều 8-7 - Ảnh: LÊ PHAN
Người dân và người điều khiển phương tiện muốn ra vào TP.HCM trong 15 ngày tới cần làm gì? Trao đổi lại, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết theo quy định mới nhất và hướng dẫn của các cơ quan liên quan, từ 0h ngày 9-7, hoạt động vận tải công cộng và kinh doanh mô tô phải dừng hoàn toàn, kể cả xe liên tỉnh đến TP.HCM và quá cảnh qua TP.HCM. Chỉ trừ xe đưa rước công nhân, chuyên gia và 400 xe taxi đảm bảo đưa đón người dân đến cơ sở y tế mới được hoạt động.
Riêng xe tải vận chuyển hàng hóa, sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động trên địa bàn TP nhưng theo quy định phải thực hiện phòng chống dịch.
Trao đổi về điều kiện để tài xế điều khiển xe từ TP.HCM đi các tỉnh, và từ các tỉnh đến TP.HCM, Sở Giao thông vận tải đã thống nhất với các tỉnh, theo đó sở sẽ tiếp nhận danh sách xe và tài xế chở hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm; xe đưa rước công nhân, chuyên gia; xe phục vụ ra vào cảng; xe tải quá cảnh qua TP.HCM.
Theo ông Lâm, các tỉnh trong vùng thống nhất tất cả các phương tiện này sẽ được các doanh nghiệp, ban khu quản lý cảng…. quản lý chặt. Riêng tại TP.HCM, Sở Công thương, các hệ thống cung ứng hàng hóa sẽ quản lý danh sách các phương tiện và tài xế này. Những tài xế này có địa chỉ và lộ trình di chuyển để quản lý.
Sở Giao thông vận tải sẽ đứng ra tiếp nhận phương tiện cùng với tài xế cố định, đủ điều kiện và sẽ thông báo cho các tỉnh giấy phép lưu thông, đồng thời cấp mã QR dán trước các xe này. Khi đi qua chốt kiểm tra, nếu xe có mã QR nhận diện sẽ được tổ chức đi theo làn luồng xanh ưu tiên nhằm đảm bảo không ùn ứ, lưu thông hàng hóa thiết yếu.
"Tài xế điều khiển các phương tiện thuộc nhóm ưu tiên nói trên phải có giấy xét nghiệm theo đúng quy định. Ngoài ra phải có thông báo (được hoạt động) của Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các giấy tờ cần thiết của người tài xế, đơn vị mới được các tỉnh cho hoạt động", ông Lâm nói.
Trao đổi về việc sẽ giám sát, xử phạt người dân ra đường khi không có nhu cầu chính đáng như thế nào, đại diện Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM cho biết lực lượng công an bằng các biện pháp nghiệp vụ sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt.
Về việc lập chốt trên địa bàn, trung tá Nguyễn Văn Bình - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM - cho biết Công an TP đã thành lập 12 chốt tại địa bàn giáp ranh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.
Cụ thể là các chốt trên QL50, QL1, QL22, QL13 (cầu Vĩnh Bình), QL1 (trước KCN Sóng Thần), QL1K, QL1 giáp ranh Đồng Nai, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Công an phối hợp với cảnh sát giao thông, công an phường, cảnh sát cơ động, an toàn thực phẩm, cảnh sát quân sự. Tại các chốt, lực lượng chức năng sẽ đảm bảo kiểm soát người, kiểm soát dịch và kiểm soát phương tiện ra, vào thành phố.
Người dân bình tĩnh mua sắm sẽ không bao giờ thiếu hàng
Người dân mua thực phẩm tại một siêu thị sáng 8-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết 148/234 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối ở TP phải tạm đóng cửa. Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động phải tạm ngưng hoạt động do phải cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe ở nhà.
Theo ông Phương, dù lượng hàng hóa dự trữ tăng gấp 2-3 lần, đảm bảo nguồn cung đầy đủ nhưng hệ thống phân phối đang bị giảm sút rất nhiều thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Bên cạnh đó, khi có thông tin áp dụng chỉ thị 16, người dân có tâm lý muốn dự trữ hàng hóa nên tập trung mua sắm rất nhiều.
Mặt khác, hệ thống phân phối đang khó khăn, đặc biệt là hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM. Các địa phương áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát như cách ly các thương lái đưa hàng hóa đi các tỉnh (7 ngày hoặc 14 ngày), có nơi yêu cầu xét nghiệm nhanh, có nơi yêu cầu xét nghiệm PCR.
Có xét nghiệm nhanh có hiệu lực 3 ngày, tài xế đưa hàng chỉ chậm trễ chút thời gian là mất hiệu lực 3 ngày xét nghiệm và bị kẹt lại. Trong trường hợp xét nghiệm PCR thì buộc doanh nghiệp phải tìm tài xế thay thế. Trong khi đó, người dân đổ xô đi mua sắm không phải phục vụ cho nhu cầu bình thường mà để dự trữ hàng hóa.
"Cầu tăng đột biến, vượt quá năng lực cung ứng thì giá hàng hóa tăng là đương nhiên", ông nói. Ngoài ra, ông Phương cho hay thêm chi phí về xét nghiệm khiến giá hàng hóa tăng cao.
Phó giám đốc Sở Công thương cho biết hệ thống phân phối tuy khó khăn nhưng đã nỗ lực rất lớn. Ví dụ Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh đã nâng công suất tối đa để cung ứng cho người dân. Hôm nay, doanh thu 2 đơn vị này tăng gấp 5 lần bình thường. Trong khi đó, có rất nhiều hệ thống phân phối mà trụ sở chính hoặc cơ quan phải cách ly.
Nếu người dân đồng cảm, chia sẻ, bình tĩnh mua sắm thì chắc chắn không bao giờ thiếu hàng.
TP xét nghiệm và tiêm vắc xin thế nào trong thời gian giãn cách?
Tại buổi họp, báo chí đặt câu hỏi về việc lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian giãn cách thế nào? TP nhận được 100.000 liều vắc xin sẽ tiêm thế nào?
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết về việc lấy mẫu diện rộng, UBND TP có chỉ đạo rõ không chạy theo chỉ tiêu số lượng, khi lấy mẫu chủ yếu dựa vào điều tra dịch tễ.
Trong các khu cách ly, phong tỏa được xem là tập trung ưu tiên lấy mẫu, sau đó mới mở rộng ra khu vực xung quanh. Còn tầm soát diện rộng là để ngăn chặn nguy cơ.
Thứ hai, ngoài xét nghiệm PCR, gần đây tăng cường test nhanh những nơi được đánh giá nguy cơ cao, khả năng có mầm bệnh nhiều. Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục trang bị thêm máy PCR, tăng công suất năng lực xét nghiệm.
Về tiêm vắc xin, khi được phân bổ 100.000 liều vắc xin, TP thực hiện tiêm theo kế hoạch và đang trình UBND TP, chắc chắn tiêm đúng quy định và quy trình.
Về quá tải của nhân viên y tế, ông Hưng cho biết không chỉ ngành y tế mà rất nhiều cơ quan khác đang làm việc gấp nhiều lần bình thường, trong 15 ngày thực hiện chỉ thị 16 thì công việc càng tăng cường hơn để đưa TP sớm quay lại trạng thái bình thường mới.
Theo ông Hưng, trong thời gian giãn cách xã hội, ngành y tế sẽ tập trung tối đa các nguồn lực, biện pháp để chống dịch, tiếp tục điều tra, truy vết... Việc giãn cách tạo điều kiện thuận lợi để phát hiện mầm bệnh trong cộng đồng.Ngành y tế cũng sẽ tăng cường các biện pháp để hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong các khu cách ly; mở rộng khu thu dung điều trị, tránh áp lực cho các khu hiện quá tải vì bệnh nhân tăng cao. Mở rộng tới 20.000 giường, thậm chí là 30.000 giường vẫn đáp ứng tốt.
TP mong sự chia sẻ của người bán hàng mang đi
Nói thêm về việc tại sao cấm bán hàng mang đi, ông Dương Anh Đức cho biết không có quyết định nào toàn vẹn, khi ra quyết định TP rất cân nhắc. Theo ông Đức, nếu cho bán hàng mang di, các shipper xếp hàng đợi trong không gian hẹp rất khó đảm bảo giãn cách theo chỉ thị 16, bởi vì yêu cầu giãn cách là không quá 2 người.
Ông Đức lấy ví dụ điểm bán bánh mì dù nhỏ cũng thường có sẵn 2 người rồi, thêm lực lượng shipper nữa không đảm bảo giãn cách.
"TP thời gian qua đã nhận cái khó về phía mình khi đắn đo việc tạm ngừng từng loại hình dịch vụ. Đến lúc này phải đòi hỏi sự quyết liệt trong các giải pháp nên mong sự đồng cảm, chia sẻ của người dân", ông Đức nói.
Về việc giải quyết hồ sơ người dân trong thời gian giãn cách xã hội, ông Đức cho biết khi giãn cách xã hội đương nhiên ảnh hưởng phần nào đến tốc độ xử lý hồ sơ, tuy nhiên với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin sẽ bù lại năng suất lao động, cố gắng giải quyết tốt nhất nhu cầu người dân.
Trong đó, các cơ quan, sở ngành ưu tiên giải quyết những gì thiết thân, cấp thiết của người dân. Quá trình giải quyết hồ sơ có thể xảy ra chậm trễ, TP rất mong sự thông cảm, chia sẻ của người dân khi lực lượng chức năng vừa phải phòng chống dịch, vừa giải quyết hồ sơ của người dân.
15 ngày giãn cách, TP.HCM cần làm gì để khống chế, dập tắt dịch COVID-19?
TTO - 15 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 (áp dụng từ 0h ngày 9-7) sẽ là cơ hội “sống còn” để TP.HCM phối hợp đồng loạt các giải pháp mạnh nhằm khống chế, đi đến dập tắt dịch COVID-19.
TIẾN LONG - THẢO THƯƠNG