Trang Chủ / Tin tức / Vì sao số ca nhiễm tại TP HCM tăng liên tục?

Vì sao số ca nhiễm tại TP HCM tăng liên tục?

Tin tức

Chín ngày giãn cách, trung bình TP HCM ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm mỗi ngày - cao hơn 3,2 lần trước đó, nhưng dự kiến con số này chưa giảm những ngày tới.

Chín ngày giãn cách, trung bình TP HCM ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm mỗi ngày - cao hơn 3,2 lần trước đó, nhưng dự kiến con số này chưa giảm những ngày tới.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam, số lượng F0 tăng nhanh những ngày qua do thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm vùng lõi của các ổ dịch. "Mục tiêu của chúng ta trong đợt dịch này là cố gắng tách nhóm F0 ra khỏi cộng đồng dân cư", ông Nam nói.

Số ca nhiễm theo ngày của TP HCM được công bố tăng vọt lên mốc hơn một nghìn ca bắt đầu từ 9/7 - ngày đầu tiên thành phố thực hiện đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Sau 9 ngày, tổng nhiễm là 17.633 ca trong khi 9 ngày trước đó ở mức 5.477 - tức khoảng 608 ca mỗi ngày. Trong đó, số nhiễm phải điều tra dịch tễ, tức những F0 ghi nhận khi đến khám ở các bệnh viện, xét nghiệm sàng lọc... cũng tăng cao hơn 3,4 lần so với cùng giai đoạn trước đó.

Những ngày qua, TP HCM đang tập trung cho việc xét nghiệm ở khu vực trọng tâm, trọng điểm. Vùng lõi nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu trước, sau đó mở rộng ra các khu vực bên ngoài với phương thức "đi đến từng hẻm, gõ cửa từng nhà", thay cho hình ảnh xếp hàng xét nghiệm quy mô lớn, cả ngày lẫn đêm vì mục tiêu tầm soát cho 5 triệu dân, khoảng 50% dân số thành phố trước đó.

Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu - người phụ trách điều phối xét nghiệm nói, công tác xét nghiệm trên địa bàn đã có sự thay đổi.

Trước đây, thành phố có kế hoạch nâng công suất lấy mẫu mỗi ngày lên 500.000 theo chủ trương tầm soát diện rộng và thực hiện được một thời gian. "Tuy nhiên, qua đó cũng thấy có nhiều điểm cần rút ra. Chúng ta lấy một lượng mẫu rất nhiều nhưng năng lực thực tế không đạt được nên đã phát sinh nhiều vấn đề", ông Châu nói, đề cập đến năng lực không đảm bảo, áp lực chỉ tiêu lấy mẫu lớn dẫn đến việc nhập liệu, lấy mẫu chất lượng không cao.

"Tỷ lệ phát hiện các ca F0 thấp, chỉ đạt 0,06-0,08%. Điều này cho thấy công sức đổ ra nhiều nhưng kết quả thu hoạch không cao gây lãng phí về nhân lực cũng như thời gian", ông Châu nói và cho biết Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố đã thấy rõ và cho thành lập trung tâm điều phối lấy mẫu xét nghiệm để việc này đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.

Theo ông Châu, chiến lược lấy mẫu của thành phố không "đánh bao vây" nữa mà đã "đánh thẳng" vào trung tâm, trọng điểm dựa vào các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ, tới mức độ thấp hơn rồi từ đó "đánh ra xung quanh". Việc này đã đem lại hiệu quả rõ nét.

"Thành phố tập trung lấy mẫu ở những nơi khả năng lây nhiễm rất cao như các chợ đầu mối, các khu đông dân cư, nhất là các khu nhà trọ của công nhân, rất đông người nhưng diện tích nhỏ, hẹp", ông Châu nói. Từ công tác lây mẫu, thành phố xác định nhiều ổ dịch quy mô lớn như chợ Bình Điền với hơn 800 ca F0, đã lan ra rất nhiều nơi như khu vực xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, khu vực phường 5, 7, quận 8...

Vì sao số ca nhiễm tại TP HCM tăng liên tục?

Nhân viên y tế lấy mẫu ở chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, ngày 5/7. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trước đó, thành phố cũng đã chia các quận huyện thành 3 nhóm để có mức độ ứng phó phù hợp. Các khu vực Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và TP Thủ Đức thuộc nhóm nguy cơ rất cao... đến nay đều đã ghi nhận 2.000 ca nhiễm mỗi quận; tại địa bàn mỗi quận huyện cũng phân thành các khu vực theo mức độ để có biện pháp chống dịch khác nhau, gồm cả chiến lược xét nghiệm.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam nhận định, nếu lấy hết được mẫu vùng lõi thì đảm bảo thời gian tới lấy ra vòng ngoài là vòng nguy cơ, về nguyên tắc số ca chắc chắn sẽ giảm xuống.

Đánh giá kết quả thành phố làm được sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu nói rằng điểm nổi bật nhất là thành phố đã hạn chế mức thấp nhất lây lan trong cộng đồng, không phát sinh các ổ dịch phát sinh mới. Hiện thành phố còn 24 ổ dịch đang diễn tiến, trong đó 6 ổ dịch ở các chợ, 10 ổ dịch ở khu dân cư, 6 ổ dịch tại các công ty, khu công nghiệp...

Ngoài ra, lãnh đạo UBND thành phố cũng cho rằng sự kết hợp giữa việc lấy mẫu đơn, mẫu gộp PCR và test nhanh đã góp phần nâng cao hiệu quả chống dịch. Cụ thể, thời gian qua việc sử dụng mẫu test nhanh đã giúp cho công tác xét nghiệm rút ngắn thời gian, kết quả tốt hơn, phát hiện nhiều F0 hơn.

Thành phố cũng tổ chức tập huấn thực hiện test nhanh cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu Công nghệ cao và doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tăng cường sự chủ động trong phòng chống dịch.

Theo Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM, những ngày tới, thành phố sẽ tận dụng tối đa thời gian giãn cách còn lại để đẩy lùi dịch. Trong đó, việc xét nghiệm sẽ tiếp tục làm theo trọng tâm, trọng điểm để xác định ổ dịch, tầm soát, loại bỏ nguồn lây và tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Vì sao số ca nhiễm tại TP HCM tăng liên tục?

Xe labo di động phục vụ lấy mẫu xét nghiệm ở những vùng lõi tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Cụ thể, người dân khu phong tỏa sẽ được lấy mẫu 2-3 ngày/lần, người dân nơi nguy cơ lây nhiễm cao là 5-7 ngày/lần. Việc lấy mẫu sẽ tổ chức tại điểm có quy mô nhỏ, nơi sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp; chia theo khung giờ. Người dân được lấy mẫu theo từng hộ, tránh nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

"Với một số lượng lớn ca nhiễm được phát hiện vừa qua cho thấy dịch đã tiềm ẩn âm thầm trong cộng đồng. Tôi nghĩ rằng trong những ngày tới, chúng ta sẽ phát hiện thêm trên dưới 9.000 ca, sau đó mới giải quyết cơ bản được tình hình để trở lại mức độ thấp", ông Châu nhận định.

Họp với các tỉnh phía Nam hôm 15/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng dịch đã lây lan rộng, nhiều ổ dịch xảy ra tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư đông người. Vì vậy, ông nhận định TP HCM sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao vài ngày tới, trước khi ổn định.

Hiện tổng số ca nhiễm tại TP HCM đã lên hơn 26.000 ca, chiếm hơn 60% số nhiễm cả nước. Nhưng quan tâm lớn nhất của thành phố lúc này là tập trung điều trị các ca F0 nặng nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong.

Hữu CôngCác bệnh viện đang lâm vào cảnh thiếu trang thiết bị y tế và phòng hộ khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.Trở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×

Nguồn: Nguồn vnexpress.net

Vì sao số ca nhiễm tại TP HCM tăng liên tục? - Tin tức