Trang Chủ / Tin Thị Trường / Việt Nam trở thành nhà cung cấp càphê lớn nhất của Nhật Bản

Việt Nam trở thành nhà cung cấp càphê lớn nhất của Nhật Bản

Tin Thị Trường

Lượng tiêu thụ càphê hòa tan đang gia tăng ở Nhật Bản đã khiến Việt Nam - nhà sản xuất càphê robusta lớn nhất thế giới thành nhà cung cấp càphê lớn nhất của Nhật Bản, đẩy Brazil xuống vị trí thứ hai.

Lượng tiêu thụ càphê hòa tan đang gia tăng ở Nhật Bản đã khiến Việt Nam - nhà sản xuất càphê robusta lớn nhất thế giới thành nhà cung cấp càphê lớn nhất của Nhật Bản, đẩy Brazil xuống vị trí thứ hai.

Việt Nam trở thành nhà cung cấp càphê lớn nhất của Nhật Bản

Các mẫu càphê đạt tiêu chuẩn càphê đặc sản Việt Nam. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Theo tờ Nikkei Asia Review, lượng tiêu thụ càphê hòa tan đang gia tăng ở Nhật Bản trong bối cảnh ngày càng có nhiều người làm việc ở nhà vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Điều này làm tăng nhu cầu về cà phê robusta - loại càphê chủ yếu được sử dụng để làm càphê hòa tan, trong khi doanh số bán càphê arabica - loại cà phê có chất lượng cao hơn và thường được các cửa hàng càphê sử dụng lại giảm.

Xu hướng này đã khiến Việt Nam - nhà sản xuất càphê robusta lớn nhất thế giới - trở thành nhà cung cấp càphê lớn nhất của Nhật Bản, đẩy Brazil xuống vị trí thứ hai.

Giá càphê robusta tại London (Vương quốc Anh) đã tăng lên gần mức cao nhất trong 18 tháng, trong khi giá càphê arabica lại giảm nhẹ.

Tại London, giá càphê robusta giao tháng 9/2020 đang biến động ở quanh mức 1.480 USD/tấn, tăng 9% kể từ đầu năm nay, sau khi chạm mức 1.554 USD vào đầu tháng này.

Ngược lại, tại New York, giá càphê arabica trên thị trường tương lai biến động ở mức khoảng 1,2 USD/pound, giảm 5% so với cùng kỳ. Như vậy, mặc dù giá càphê robusta và arabica đều tăng vào đầu mùa Hè, khi tốc độ lây lan của dịch COVID-19 đã chậm lại, nhưng giờ đây, giá cả hai loại càphê này đã có sự phân hóa.

Việc Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 vào đầu tháng 4/2020 đã khiến các quán càphê và nhà hàng trên toàn quốc phải đóng cửa, đồng thời buộc hãng Starbucks Coffee Japan phải tạm dừng kinh doanh tại gần 1.100 quán càphê. Đây là một đòn giáng mạnh vào nhu cầu đối với càphê arabica.

Trong số hai loại hạt càphê phổ biến nhất này, arabica được nhiều người coi là cao cấp hơn về hương thơm, mùi vị và chất lượng tổng thể. Nó được sử dụng bởi hầu hết các quán càphê và nhà hàng.

Chuyên gia Masaomi Arakawa, người đứng đầu bộ phận kinh doanh càphê tại S. Ishimitsu & Co. - một nhà phân phối càphê có trụ sở ở Kobe, cho biết: “Ngay cả khi tình trạng khẩn cấp đã được dỡ bỏ, lượng khách hàng [tại các quán cà phê và nhà hàng] vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, khiến nhu cầu về cà phê arabica yếu đi.”

Ngược lại, nhu cầu đối với robusta - loại cà phê rẻ hơn và có vị đắng hơn, thường được sử dụng trong các sản phẩm cà phê hòa tan - tăng mạnh do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khiến mọi người ở nhà.

Theo công ty chế biến thực phẩm Ajinomoto AGF, nhu cầu đối với cà phê hòa tan đã tăng vọt. Doanh số bán các sản phẩm cà phê hòa tan trong quý 2/2020 đã tăng khoảng 10% so với một năm trước đó.

Những thay đổi trong phong cách tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu hạt càphê chưa rang của Nhật Bản. Các số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020, Việt Nam là nhà cung cấp hạt càphê chưa rang nhiều nhất cho Nhật Bản. Nhật Bản đã nhập khẩu tổng cộng 67.392 tấn hạt càphê chưa rang từ quốc gia Đông Nam Á, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhập khẩu càphê từ Brazil, chủ yếu là càphê arabica, đã giảm 40% xuống còn 63.850 tấn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Brazil để trở thành nhà cung cấp càphê lớn nhất cho Nhật Bản. 

Ông Shiro Ozawa, Cố vấn của công ty kinh doanh càphê đặc sản Wataru & Co. có trụ sở tại Tokyo, nhận định Việt Nam đang trên đà tiếp tục dẫn trước Brazil trong cả năm 2020. "Đây là một thời khắc lịch sử."

Giống càphê robusta ít bị sâu bệnh phá hại hơn so với giống arabica. Ngoài khả năng chống chịu tốt hơn cây càphê arabica, cây càphê robusta cũng có thể được trồng ở độ cao thấp hơn.

Những yếu tố này đã thúc đẩy thị phần của robusta trong sản xuất toàn cầu trong những năm gần đây. Theo ông Ozawa, trong 4 thập niên qua, thị phần của càphê robusta trong sản xuất toàn cầu đã tăng gấp đôi từ 20% lên 40%, trong khi của càphê arabica lại giảm từ 80% xuống 60%. 

Tuy nhiên, giá càphê robusta có thể sẽ giảm trong thời gian dài. Sự gia tăng về sản lượng robusta đã dẫn đến tình trạng dư thừa trên thị trường hạt càphê.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng càphê thế giới trong niên vụ 2020-2021 có thể sẽ tăng 5,5% so với năm trước lên 176,085 triệu bao (một bao là 60 kg). Ngược lại, khối lượng tiêu thụ dự kiến sẽ chỉ đạt 166,284 triệu bao, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu dự báo này chính xác, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp, sản lượng càphê vượt mức tiêu thụ.

Ông Kazuyuki Kajiwara, Giám đốc bộ phận đồ uống của tập đoàn Marubeni, nói: “Thị trường càphê sẽ rơi vào tình trạng dư cung trong một hoặc hai năm tới. Nếu giá giảm và vẫn ở mức thấp, một số người trồng càphê sẽ ngừng sản xuất," đặc biệt là những người trồng càphê arabica".

Nguồn: vietbao.vn

Việt Nam trở thành nhà cung cấp càphê lớn nhất của Nhật Bản - Tin Thị Trường