Tăng trưởng tín dụng thấp hơn huy động khiến thanh khoản của các ngân hàng luôn dồi dào. Việc dư thừa thanh khoản cũng khiến lãi suất tiền gửi liên tục giảm.
Tăng trưởng tín dụng thấp hơn huy động khiến thanh khoản của các ngân hàng luôn dồi dào. Việc dư thừa thanh khoản cũng khiến lãi suất tiền gửi liên tục giảm.
Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 31/8-4/9 mới công bố của SSI Research ghi nhận thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn ở trạng thái rất dồi dào.
Trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thực hiện giao dịch trên thị trường mở, lãi suất thị trường liên ngân hàng đi ngang, chốt tuần ở mức 0,19%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,24%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Cũng theo các chuyên gia, tính đến 26/8, tăng trưởng tín dụng mới ở mức 4,23% so với cuối năm 2019, trong khi tăng trưởng tiền gửi vẫn rất tốt dù lãi suất giảm sâu.
Tạm tính, trong gần 8 tháng từ đầu năm, toàn hệ thống ngân hàng mới giải ngân thêm khoảng hơn 346.600 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế, tương đương hơn 1.400 tỷ đồng/ngày. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nửa thập kỷ qua của ngành ngân hàng. Nguyên nhân trực tiếp là việc doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Trong khi đó, số liệu của NHNN cho biết đến hết tháng 6 năm nay, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,15% so với cuối 2019, đạt trên 11,118 triệu tỷ đồng, tương đương số tăng tuyệt đối là hơn 544.550 tỷ đồng.
Với số liệu nói trên, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm gần 200.000 tỷ đồng thanh khoản trong 8 tháng qua dựa trên con số tạm tính chênh lệch giữa mức tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng ra nền kinh tế.
Ngoài ra, việc NHNN liên tục mua ròng ngoại tệ trên thị trường cũng khiến lượng tiền đồng chảy trong hệ thống gia tăng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết cán cân thương mại tháng 8 thặng dư khoảng 2,5 tỷ USD và lũy kế 8 tháng thặng dư 10,93 tỷ USD. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp cơ quan quản lý tiền tệ liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ trong tháng 8. Hiện tại, dự trữ ngoại hối lên tới 92 tỷ USD và Chính phủ kỳ vọng sẽ tăng lên mức 100 tỷ USD vào cuối năm nay.
Cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là 79 tỷ USD. Như vậy sau 8 tháng, NHNN đã mua ròng 13 tỷ USD trên thị trường, tương đương khoảng trên 300.000 tỷ tiền đồng đã được đẩy ra thị trường qua kênh này.
Hiện tại, tỷ giá USD/VNĐ niêm yết của các ngân hàng tiếp tục xu hướng đi ngang ở mức 23.060/23.270 đồng và tăng nhẹ 10 đồng/USD trên thị trường tự do, lên mức 23.190/23.220 đồng. Cung cầu ngoại tệ đang thuận lợi và USD vẫn chịu áp lực giảm giá trên thị trường quốc tế nên tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới.
Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 8 của Công ty Chứng khoán HSC cũng cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở mức dồi dào chưa từng có, ngay cả khi Kho bạc Nhà nước rút ròng 189.700 tỷ đồng tại 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank từ đầu năm.
Nguyên nhân của hiện tượng này được các chuyên gia lý giải, do việc tăng trưởng huy động cao hơn nhiều so với tín dụng.
Theo giới phân tích, việc thanh khoản ngân hàng tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến lãi suất liên ngân hàng giảm đáng kể và đang thấp hơn nhiều so với lãi suất điều hành của NHNN.
SSI Research ghi nhận lãi suất trong tháng 8 có xu hướng giảm. Trong đó, lãi tiền gửi giảm thêm 0,2-0,4 điểm % ở các kỳ hạn ngắn và 0-0,2 điểm % ở các kỳ hạn dài.
Lũy kế 8 tháng, lãi suất tiền gửi giảm tổng cộng 0,5-2,1 điểm cơ bản ở tất cả kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi không có nhiều thay đổi trong tuần đầu tháng 9, phổ biến ở 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2-6%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5-6,7%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Xem thêm
Zingnews.vn