Sau đối thoại "Việt Nam 2045", ông Đặng Hồng Anh (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ) cho rằng cần xem giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề cho VN có thể trở thành nước phát triển, hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045.
TTO - Sau đối thoại "Việt Nam 2045", ông Đặng Hồng Anh (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ) cho rằng cần xem giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề cho VN có thể trở thành nước phát triển, hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Xe buýt mang thương hiệu Việt được đưa lên tàu xuất khẩu sang Philippines - Ảnh: LÊ TRUNG
Sau sự kiện đối thoại "Việt Nam 2045", ông ĐẶNG HỒNG ANH - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN - cho rằng cần xem giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề cho VN có thể trở thành nước phát triển, hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045.
"Xin mở cửa một cách cởi mở nhất trong chính sách tuyển dụng người tài vào bộ máy công quyền. Đây là cơ hội cho những sinh viên du học nước ngoài, những trí thức ứng cử vào những vị trí phù hợp trong bộ máy nhà nước.
Ông Đặng Hồng Anh
Từ thực tiễn kinh doanh cũng như những trải nghiệm khi hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp, vị doanh nhân trẻ này đề xuất cần có những bước đi mang tính đột phá để sớm đưa VN đạt được những kỳ tích trước cột mốc 100 năm VN độc lập.
Doanh nghiệp tư nhân đã lớn mạnh
* Theo ông, trong giai đoạn này, chính sách cần những đột phá gì để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bước đi nhanh hơn trong chặng đường 25 năm còn lại? Phải chăng đầu tiên là cách ứng xử với khu vực tư?
- Những chặng đường vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong đồng hành với sự phát triển của đất nước. Các DN tư nhân đã thực sự lớn mạnh về quy mô, đóng góp lớn, tạo ra nhiều công ăn việc làm cũng như tham gia sâu vào nhiều lĩnh vực đòi hỏi trí tuệ, công nghệ cao, không còn là luẩn quẩn trong những lĩnh vực thâm dụng lao động như trước. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách để tư nhân phát triển một cách mạnh mẽ, xem phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng bậc nhất trong quá trình phát triển.
Cần nhấn mạnh rằng chỉ khi có chủ trương và cách nhìn nhận như vậy khu vực kinh tế tư nhân mới có được những sự thay đổi ứng xử. Họ sẽ được các cán bộ, công chức nói riêng và hệ thống hành chính công nói chung phục vụ, hỗ trợ tốt hơn, không còn những rào cản khiến họ cảm thấy khó khăn, nản lòngnhư trước nay.
Chính sách cần tập trung ưu tiên xây dựng các ưu đãi, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo nên một nền sản xuất bền vững, nhất là phát huy một số nguyên liệu cơ bản mà VN đang có, đang dẫn đầu về mặt lợi thế.
Tăng công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung đầu tư và tạo nên sự đột phá thực sự trong lĩnh vực khoa học công nghệ... cũng là cách để chúng ta tránh đi theo con đường trở thành một nền kinh tế gia công, sử dụng nhiều lao động giá rẻ mà thiếu đisự đột phá.
Ông ĐẶNG HỒNG ANH
Quan tâm khởi nghiệp nhưng xem lại đầu tư
* Được nhắc đến nhiều nhưng theo ông, khởi nghiệp đã được đầu tư, quan tâm đúng mức?
- Quan tâm thì có nhưng đầu tư thì e rằng vẫn còn những khoảng trống. Dù được các bộ ngành và cả xã hội quan tâm, song nếu đi sâu vào lĩnh vực khởi nghiệp thì còn những cái khó mà DN khởi nghiệp đang trăn trở. Trong đó, những cái khó hàng đầu của DN khởi nghiệp là vốn, kinh nghiệm quản trị, điều hành và hệ sinh thái để các sản phẩm, dịch vụ của các DN khởi nghiệp khi "ra lò" có thể đến với thị trường. Riêng về vốn, thực tế cho thấy các ngân hàng rất khó tài trợ cho các dự án khởi nghiệp.
Do đó, nếu thực sự ưu tiên phát triển các DN khởi nghiệp, Chính phủ cần có những chính sách táo bạo. Tôi đề xuất cần miễn giảm thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân cho những khoản đầu tư của DN hay cá nhân vào các dự án khởi nghiệp. Điều này ngay lập tức tác động đến những nhà đầu tư, họ sẽ hướng dẫn, cùng các DN khởi nghiệp tìm kiếm và làm những đầu ra sản phẩm dịch vụ của mình.
Tôi nói điều này không phải nói suông, mà nó là thực tế trong hội của chúng tôi. Không cần hội nghị, hội thảo gì nhiều, hãy nhìn thực tế. Như ở Yên Bái có thành viên hội chúng tôi về hỗ trợ thanh niên người dân tộc về mặt kỹ năng, kinh nghiệm, rồi tìm đầu ra. Các bạn trẻ đi khởi nghiệp đã được khích lệ về tinh thần, hỗ trợ về kinh nghiệm. Sự chung tay của một quốc gia khởi nghiệp chẳng ở đâu xa, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ mà thiết thực như thế.
Cởi mở nhất với người tài
* Nói đến VN hùng cường, theo ông, điều thiết thực trước mắt nên làm là gì?
- Theo tôi, trước tiên cần phải tính toán để gia tăng hơn nữa tỉ lệ các doanh nhân, đại diện cho các DN và tăng thêm lực lượng trí thức trong Quốc hội. Vì sao? Bởi lẽ khi có sự gia tăng như thế, hơi thở cuộc sống, thực tế thương trường sẽ vào chính sách...
Bên cạnh đó, một điều mà tôi cũng hết sức tâm huyết đó là nếu đất nước thực sự muốn những tinh hoa của cả dân tộc có cơ hội cống hiến thì xin mở cửa một cách cởi mở nhất trong chính sách tuyển dụng người tài vào bộ máy công quyền. Đây là cơ hội cho những sinh viên du học nước ngoài, những trí thức ứng cử vào những vị trí phù hợp trong bộ máy nhà nước. Từ đó, họ có cơ hội để cống hiến, phục vụ một cách linh hoạt hơn những kiến thức, tri thức mà họ được học hỏi từ các nền kinh tế hàng đầu để phụng sự Tổ quốc.
Ông Đỗ Minh Phú (chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong):
Cần cơ chế thử nghiệm chính sách
Xóa lực cản từ chính sách chồng chéo. Tri thức hóa đội ngũ doanh nhân và thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ, đây là cốt lõi của cụm từ đổi mới sáng tạo.
Đảng đã đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% tỉ trọng của nền kinh tế năm 2020 và 30% năm 2030 thì việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia là vô cùng quan trọng. Trong trào lưu phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống luật pháp của tất cả các quốc gia đều không thể theo kịp bước tiến đó, đặc biệt hệ thống pháp luật của VN đang chồng chéo, không đồng bộ. Đây là lực cản cho việc áp dụng các mô hình kinh tế mới, các công nghệ, kỹ thuật mới làm thay đổi thậm chí đảo lộn trình tự, hình thức và mô hình kinh doanh hiện thời.
Vì vậy cần có cơ chế thử nghiệm chính sách và cần có văn bản pháp quy để đưa cơ chế thực hiện càng nhanh càng tốt.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Công bằng từ thể chế
Để VN thịnh vượng vào 2045, cần phải thực hiện đồng bộ, minh bạch và công bằng về mặt thể chế để DN tiếp tục đầu tư vốn, tiếp cận các nguồn lực của quốc gia. Thể chế này phải xóa được các quyền lợi cục bộ trong các cơ quan, ban ngành. Do đó, thể chế phải do Quốc hội thực hiện, tránh các lợi ích khi các bộ ban hành. Thứ hai, cần đầu tư hạ tầng kinh tế, hạ tầng số... Trong đó, cần đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các vùng trọng điểm, các đầu tàu của khu vực như TP.HCM và Đông Nam Bộ...
25 năm nữa, những người quản lý quốc gia, quản trị quốc gia khoảng 35-40 tuổi thì hiện nay họ khoảng 10 tuổi. Do đó, ngay từ bây giờ phải giáo dục người trẻ vì cái chung, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và rèn luyện tư duy đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải hun đúc những giá trị tốt đẹp của một con người trong quốc gia thịnh vượng có được lòng nhân ái, sống vì lợi ích chung, chống được tham nhũng từ gốc rễ.
Tạo tâm thế công bằng cho doanh nhân
TTO - Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư của thế giới. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư trong nước cũng rất dồi dào, rất cần được nỗ lực để khuyến khích, thúc đẩy đầu tư.
NGỌC HIỂN thực hiện