FLC vừa bổ sung tài liệu gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM các thông tin cần cải chính và công bố bổ sung theo quyết định xử phạt ngày 24-3.
TTO - FLC vừa bổ sung tài liệu gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM các thông tin cần cải chính và công bố bổ sung theo quyết định xử phạt ngày 24-3.
FLC lại vừa có cải chính - Ảnh: NAM TRẦN
Trong tài liệu này dài 326 trang, FLC đã công bố bổ sung 51 nghị quyết hội đồng quản trị về giao dịch với các bên liên quan trong giai đoạn từ 24-3-2020 đến 13-5-2021. Đây là những thông tin thuộc loại phải công bố trong vòng 24 giờ theo quy định tại thông tư 96/2020 nhưng đến ngày 6-5-2022 tập đoàn này mới công bố.
Cụ thể FLC đã công bố báo cáo tình hình quản trị năm 2020 và 2021 đã điều chỉnh để bổ sung thông tin về giao dịch giữa người nội bộ công ty, người liên quan của người nội bộ với công ty con, công ty do FLC nắm quyền kiểm soát…
FLC còn cải chính số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 để điều chỉnh số liệu doanh thu và lợi nhuận gộp.
Theo đó,một số chỉ số trong báo cáo kinh doanh riêng và hợp nhất đều giảm hơn so với báo cáo trước, tuy nhiên phần thu nhập khác được điều chỉnh tương đương, vì vậy điều này không ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trên báo cáo tài chính.
Theo nội dung của các nghị quyết hội đồng quản trị năm 2020 với 114 quyết định bao gồm thay đổi nhân sự, cơ cấu lại các dự án bất động sản, cũng như việc FLC đứng ra bảo đảm, bảo lãnh cho các nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp liên quan như Công ty CP hàng không Tre Việt (Bamboo Airways),Công tyCP xây dựng FLC Faros,Công tyCP đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes,Công tyCP đầu tư và khoáng sản FLC Stone….
Từ các bảng thống kê trên có thể thấy Tập đoàn FLC đã dùng hàng trăm bất động sản cùng hàng trăm triệu cổ phần tại Bamboo Airways để bảo đảm cho các khoản vay của FLC, Bamboo Airways, và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái.
FLC đang có nhiều khoản tín dụng tại nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Phương Đông, VietinBank, BIDV, Vietcombank, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC)... bằng tài sản bảo đảm bao gồm cổ phiếu và bất động sản mà doanh nghiệp này đang nắm giữ ở nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai, Quảng Ninh… Trong đó, chủ yếu là cổ phiếu ROS tại FLC Faros, cổ phiếu BAV tại Bamboo Airways.
Tính đến cuối kỳ FLC có tổng tài sản gần 35.500 tỉ đồng. Nợ phải trả tăng gần 2.100 tỉ đồng trong ba tháng, lên 26.140 tỉ đồng. Trong số này có hơn 7.100 tỉ đồng là nợ vay ngân hàng. Kết thúc quý 1, FLC lỗ sau thuế 465 tỉ đồng.
FLC báo lỗ ròng 465 tỉ đồng trong quý 1
TTO - Trong vòng một quý đầu năm 2022, Tập đoàn FLC đã bị lỗ ròng hơn 465 tỉ đồng do doanh thu bất động sản sụt giảm, tăng trích lập dự phòng do cổ phiếu đầu tư bị lao dốc. Nhiều nhà đầu tư cổ phiếu FLC cũng chưa thể 'về bờ' - hồi vốn.
N.BÌNH