Cổ đông Tập đoàn PAN cho rằng ban lãnh đạo không "fair-play" khi lãi kỷ lục nhưng không chia cổ tức còn Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng nói rằng chưa đủ dòng tiền làm việc này.
Vì sao không chia cổ tức hai năm liên tiếp trong khi lợi nhuận chưa phân phối hơn nghìn tỷ trở thành vấn đề nóng trong phiên họp thường niên của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN chiều 26/4.
Trong phần chất vấn dài hơn 5 phút, một cổ đông lớn tuổi nói rằng ông đánh giá cao nỗ lực của ban điều hành để lợi nhuận năm ngoái tăng gấp rưỡi, lên mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, ông thắc mắc vì sao cổ đông - những người là chủ sở hữu công ty - không được hưởng lợi nào từ kết quả này.
Theo tờ trình đại hội đồng cổ đông, Tập đoàn PAN năm ngoái lãi sau thuế 794 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại 1.186 tỷ đồng. Hội đồng quản trị đề xuất trích các quỹ phát triển, phúc lợi cho người lao động và thù lao cho Hội đồng quản trị năm ngoái tổng cộng 5 tỷ đồng. Trong khi đó, việc chia cổ tức dự kiến không thực hiện "để dành nguồn lực cho các hoạt động cân đối nguồn vốn và đầu tư phát triển trong năm 2023".
"Tôi thấy việc phân chia lợi nhuận như thế không fair-play (công bằng). Ban điều hành và Hội đồng quản trị nhận thù lao không thiếu xu nào, còn chúng tôi chỉ có lời cảm ơn chứ không có cổ tức", ông nói và nhấn mạnh cổ đông rất cần cổ tức bên cạnh việc chờ giá cổ phiếu tăng.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn PAN - nói rằng ông hiểu cảm giác không vui khi giá cổ phiếu xuống và công ty không chia cổ tức, bởi ông là cổ đông lớn nhất với sở hữu gián tiếp hơn 50 triệu cổ phiếu (tương ứng 23,3%); sở hữu trực tiếp 1,2 triệu cổ phiếu (tương ứng 0,56%).
Tuy nhiên, là người đứng đầu doanh nghiệp, ông đánh giá dòng tiền hiện tại không cho phép để trả cổ tức. Giai đoạn này, công ty cần đầu tư cho những cơ hội tạo ra nguồn thu mới và kinh doanh theo hướng an toàn nhằm hạn chế rủi ro trong trường hợp xấu nhất là khủng hoảng kinh tế xảy ra. Ngoài ra, công ty cũng cần thêm thời gian để có nguồn tiền cổ tức từ các đơn vị thành viên và giảm bớt áp lực nợ phải trả.
"Mong muốn tột độ không của riêng tôi mà cả ban lãnh đạo là chia cổ tức hàng năm vì chúng tôi hiểu điều này làm cổ đông yên tâm, nắm giữ cổ phiếu lâu hơn", ông Hưng nói, đồng thời cam kết sẽ có phương án hoàn chỉnh báo cáo với cổ đông tại phiên họp thường niên năm sau.
Ông Nguyễn Duy Hưng tại phiên họp thường niên chiều 26/4. Ảnh: PAN Group
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN - cũng cam kết sẽ cải thiện chính sách cổ tức những năm tới. Theo bà, đây là giai đoạn công ty phải đầu tư lớn cho hoạt động kinh doanh và tìm kiếm đối tác chiến lược cho các đơn vị thành viên nên chưa thể thỏa mãn cổ đông về vấn đề cổ tức.
"Là cổ đông nhưng không nhận được cổ tức nên tôi cũng đau như quý vị. Nhưng chúng ta hãy kiên nhẫn, cố gắng chờ chút nữa vì giây phút huy hoàng sắp đến trong tương lai rất gần", bà My nói. Theo bà My, tín hiệu tích cực là không chỉ có thêm đơn hàng từ Nhật, Singapore, châu  mà các mảng kinh doanh của công ty đều có sự quan tâm và tìm hiểu hợp tác từ nhà đầu tư lớn tại các thị trường khó tính này.
Trước mắt, Hội đồng quản trị Tập đoàn PAN trình cổ đông phương án cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu cho năm nay là 5%. Dù vậy, việc này chỉ được thực hiện nếu công ty hoàn thành kế hoạch doanh thu thuần 15.156 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất 840 tỷ đồng. Chỉ tiêu tài chính, theo ban lãnh đạo, được xây dựng một cách thận trọng bởi điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi và nhu cầu tiêu dùng trong lẫn ngoài nước đều suy yếu.
Công ty kỳ vọng giống cây trồng, lương thực, thuốc bảo vệ thực vật, bánh kẹo và hạt là những mảng duy trì đà tăng trưởng tốt khoảng 10-15%. Trong khi đó, mảng xuất khẩu thủy sản được dự báo chịu ảnh hưởng lớn từ việc các thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, EU giảm đơn hàng do lạm phát và tồn kho cao từ trong dịch. Cá tra là ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất khi doanh thu dự kiến giảm 3-5%, còn lãi sau thuế giảm 15-20%.
Phương Đông